Thứ Sáu | 06/09/2013 14:37

G20 đồng thuận về tài chính ngân hàng, tăng trưởng kinh tế

Hội nghị G20 đề ra những ưu tiên phát triển cơ bản mang tính chiến lược cho khối trong trung hạn như củng cố cam kết về tăng trưởng chung.
Với vai trò là Chủ tịch luân phiên G20, Nga đã đề xuất những điểm chính trong chiến lược phát triển của G20 là tạo việc làm có chất lượng, đảm bảo lòng tin và sự minh bạch cũng như thực thi hiệu quả các quy định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã nhất trí về kế hoạch hành động, nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia như Google và Amazon lợi dụng kẽ hở pháp luật và các thiên đường trốn thuế để giảm số thuế phải đóng. Theo Bộ trưởng Siluanov, các nhà lãnh đạo G20 đều cho rằng phải nhất thể hóa các chế độ thuế, tăng cường đấu tranh chống nạn trốn thuế, ủng hộ kế hoạch tăng tính minh bạch của việc đánh thuế.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng đánh giá tích cực về các biện pháp nhằm chấn chỉnh các định chế tài chính, trước hết là các ngân hàng lớn vốn được xem là không thể bị phá sản. Trên thế giới hiện có khoảng 28 ngân hàng và chín công ty bảo hiểm thuộc loại này. Ông Siluanov nhấn mạnh đối với các định chế tài chính này cần đưa ra các yêu cầu giám sát bổ sung, trong khi cổ đông của các định chế tài chính này sẽ phải có trách nhiệm cao hơn.

Cũng tại hội nghị, nhóm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đã nhất trí thành lập kho dự trữ ngoại tệ chung 100 tỷ USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để ổn định các thị trường tiền tệ đang trong giai đoạn biến động vì kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ. Việc thành lập kho dự trữ ngoại tệ chung là sự nối tiếp thỏa thuận về việc thành lập ngân hàng phát triển chung đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Durban, Nam Phi, diễn ra trong năm nay.

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Nga, các quan chức G20 đã đạt đồng thuận về việc dừng các khoản tiền hỗ trợ được cấp không sang tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng vì mục tiêu phát triển. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các biện pháp chính sách kinh tế-tài chính phi chuẩn rõ ràng là không thể được tiếp tục và các nước đang bắt đầu dừng các biện pháp như vậy. Ông nhắc lại mục tiêu chính là tạo nền tảng cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu thông qua sự phát triển thực sự cũng như thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Tổng thống Nga phát biểu cho rằng tình hình hiện nay đã ổn định hơn nhờ các biện pháp mà các nước thành viên đã triển khai song nhiệm vụ chính sẽ vẫn là đưa kinh tế toàn cầu trở lại tăng trưởng bền vững và cân bằng. Ông nêu rõ, những rủi ro mang tính hệ thống và những điều kiện cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng quay lại vẫn còn. Ông nhắc đến việc chỉ mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,1%, trong khi các dự báo đưa ra một năm trước xoay quanh mức 4%. Ông cho rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng song lại không được nhanh như mong đợi.

Hội nghị sẽ tiếp tục trong ngày 6/9 và kết thúc với việc ký Tuyên bố và Kế hoạch Saint Petersburg.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện