FTA giữa Trung Quốc và hai nước Thụy Sĩ, Iceland có hiệu lực
Theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) Trung Quốc-Thụy Sĩ, Thụy Sĩ sẽ ngay lập tức áp thuế quan bằng không đối với 99,7% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Trung Quốc cũng thực hiện mức thuế này đối với 84,2% hàng xuất khẩu của Thụy Sĩ.
Trong khi theo FTA Trung Quốc-Iceland, tỷ lệ hàng hóa áp mức thuế quan bằng 0% giữa Trung Quốc với Iceland lần lượt là 96,23% và 100%.
FTA Trung Quốc-Thụy Sĩ là Hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên đạt được giữa Trung Quốc với một quốc gia lục địa châu Âu và nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về kinh tế toàn cầu, còn FTA Trung Quốc-Iceland là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên đạt được giữa Trung Quốc với một quốc gia châu Âu.
Hai Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/7 này có quy mô rộng lớn, mức độ mở cửa cao, chính sách ưu đãi nhiều và là một trong những hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất, mức độ cao nhất đạt được với nước ngoài của Trung Quốc trong mấy năm gần đây.
Theo FTA Trung Quốc-Thụy Sĩ, tỷ lệ sản phẩm tham gia giảm thuế của Thụy Sĩ là 99,99% còn của phía Trung Quốc là 96,5%, trong đó những sản phẩm có mức thuế giảm tương đối lớn là hàng dệt, quần áo, giày, mũ, linh kiện ôtô và các chế phẩm kim loại.
Đồng hồ là một trong những sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc của Thụy Sĩ. Một chuyên gia về đồng hồ đeo tay cho rằng với việc giảm thuế quan, mức chênh lệch về giá giữa trong nước và nước ngoài của các loại đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ sẽ dần thu hẹp. “Hiện nay, ở châu Âu mua đồng hồ Thụy Sĩ rẻ hơn 50% so với mua ở Trung Quốc, nhưng 3-5 năm sau, cũng có thể chỉ rẻ hơn 20-30%.”
Mặc dù Iceland và Thụy Sĩ đều không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng giới chuyên gia cho rằng, việc hai hiệp định này có hiệu lực vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc.
Đáng chú ý, FTA Trung Quốc-Thụy Sĩ đề cập đến các quy tắc mới và các vấn đề mới như thu mua của chính phủ, môi trường, hợp tác lao động và việc làm, quyền sở hữu trí tuệ, có thể làm khuôn mẫu cho việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước phát triển khác của Trung Quốc sau này.
Chẳng hạn, trong hiệp định này, lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý lập hẳn một chương riêng về vấn đề môi trường và quy định rõ những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bạch Minh, Phó Chủ nhiệm Ban nghiên cứu thị trường quốc tế, Viện Nghiên cứu hợp tác kinh tế thương mại quốc tế Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng các ngành như đồng hồ, máy đo đạc của Thụy Sĩ rất có thị trường ở Trung Quốc, thị trường du lịch cũng rất có triển vọng. Còn Iceland , đất rộng người thưa, nên tính bổ sung lẫn nhau và tiềm năng hợp tác với Trung Quốc tương đối lớn, FTA có thể giảm bớt những trở ngại về chế độ ở mức độ cao nhất, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên.
Hơn thế nữa, theo giới phân tích, Thụy Sĩ và Iceland có thể trở thành điểm trung chuyển để các doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ vào châu Âu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể lợi dụng hệ thống tài chính của hai nước này để cung cấp vốn và chuyển tài sản cho các hoạt động đầu tư và sáp nhập ở châu Âu.
Hiện nay, Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ năm ở châu Âu của Trung Quốc. Theo thống kê của Cục Hải quan Trung Quốc, năm 2013, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-Thụy Sĩ tăng 126%, đạt 59,5 tỷ USD.
Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-Iceland đạt 0,22 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm trước đó.
Nguồn Vietnam+