Ảnh: businessinsider.com
Forever 21 chính thức nộp đơn xin phá sản
Trong thư gửi khách hàng vào ngày 29/09, Forever 21 cho biết, công ty đã tự nguyện nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 nhằm tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh.
Nhà bán lẻ có trụ sở tại California nhấn mạnh rằng, việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ giúp Forever 21 đóng cửa các cửa hàng thua lỗ và tái cấp vốn cho việc kinh doanh.
Theo đó, công ty sẽ đóng cửa hầu hết các cửa hàng tại châu Á và châu Âu. Riêng các cửa hàng tại Mỹ, Mexico và Mỹ Latinh vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.
Bà Linda Chang, phó chủ tịch điều hành của công ty nói rằng, "đây là một bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của công ty. Điều này sẽ cho phép chúng tôi tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị thương hiệu Forever 21”.
Theo bà Chang, Forever 21 đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ việc mở rộng nhanh chóng các cửa hàng tại 47 quốc gia trong vòng chưa đầy sáu năm. Điều này đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. Bên cạnh đó, những thay đổi trong ngành bán lẻ, bao gồm cả sự trỗi dậy của thương mại điện tử cũng đa tạo ra nhiều thách thức với doanh nghiệp. "Ngành bán lẻ rõ ràng đang thay đổi. Khách hàng đang chuyển từ mua hàng trực tiếp tại trung tâm mua sắm sang mua hàng trực tuyến”, bà Chang nhấn mạnh.
Forever 21 đang có khoảng 800 cửa hàng tại các quốc gia trên thế giới. Ảnh: elle.vn |
Forever 21 được thành lập vào năm 1984 và đã trở nên nổi tiếng vào những năm 1990 và đầu tiên cho các dịch vụ thời trang, giá rẻ, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ trẻ. Hiện Forever 21 có hơn 800 cửa hàng trên khắp Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Ước tính, doanh số hàng năm của công ty đạt khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh khó khăn khiến công ty đã phải đóng cửa các cửa hàng tại London, Trung Quốc….
Làn sóng phá sản đang càn quét ngành bán lẻ Mỹ. Trước đó, vào đầu tháng 9, hãng bán lẻ hàng cao cấp Barneys New York cũng thông báo phá sản và sẽ đóng cửa 15 trên 22 cửa hàng. Hầu hết hãng bán lẻ gặp khó khăn đều đặt gian hàng tại trung tâm thương mại - nơi ngày càng ít người đến mua sắm. Không chỉ giảm doanh thu, các công ty còn phải tăng chi phí cho công nghệ, để cạnh tranh với các công ty bán hàng trực tuyến.