Fitch Ratings dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á
Nếu không tính Trung Quốc và Ấn Độ, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tăng trưởng 5,1%. Có tới bảy trong số chín nước mới nổi tại châu Á được đánh giá có "triển vọng ổn định."
Fitch Ratings nhận định cải cách kinh tế của Trung Quốc, các động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng trung ương) trong việc rút giảm dần và tiến tới ngừng chương trình mua trái phiếu, quản lý chính sách ở Ấn Độ và Indonesia là những vấn đề chính tác động đến mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng như triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.
Fitch Ratings lưu ý quyết định nói trên của FED sẽ khiến các nhà đầu tư chuyển vốn từ các thị trường mới nổi sang các nền kinh tế phát triển. Để đối phó với đồng tiền yếu, lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lại gia tăng, Ấn Độ và Indonesia cần quản lý tài khóa và chính sách tốt hơn.
Andrew Colquhoun, người đứng đầu bộ phận đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho hay tái cân bằng và cải cách của Trung Quốc nằm trong số những chủ đề lớn đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á trong năm 2014.
Những cải cách kinh tế này sẽ thay đổi con đường giao thương của Trung Quốc và kế đến là vai trò của kinh tế nước này trong nền kinh tế toàn cầu. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, nước này đóng góp trung bình 20% vào tăng trưởng kinh tế thế giới hàng năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong số chín nền kinh tế mới nổi ở châu Á, chỉ có Malaysia và Mông Cổ nhận được mức đánh giá "triển vọng tiêu cực," lần lượt ở mức A- và B+. Trong đó Malaysia đối mặt với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài chính công, trong khi chính sách lỏng của Mongolia đe dọa ổn định tài chính của nước này./.
Nguồn Vietnamplus