Financial Times: Trung Quốc phải học cách trở thành cường quốc
Khi tàu chiến của Mỹ đi qua Biển Đông, trái với thái độ ủng hộ của các nước trong khu vực, Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng phản đối. Washington cho rằng việc này là nhằm duy trì tự do hàng hải trước việc Trung Quốc cải tạo các bão đá ngầm thành các đảo nhân tạo. Trong khi đó, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo các thế lực bên ngoài không nên can thiệp vào công việc của khu vực.
Sự xuất hiện của lực lượng hải quân Mỹ cho thấy những xung đột trong việc tranh chấp chủ quyền đồng thời làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang của các nước Đông Á. Hiện tại vùng biển phía tây Thái Bình Dương, đang có rất nhiều tàu ngầm đang hoạt động. Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Malaysia cũng lên tiếng phản đối cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đưa ra để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hơn nữa, Tokyo và Bắc Kinh cũng đang có tranh chấp tại vùng Biển Hoa Đông.
Diễn đàn Xiangshan do Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc tổ chức là dấu hiệu khác cho thấy thời cuộc đang thay đổi. Cuộc họp Xiangshan - đối trọng với Đối thoại Shangri La - cho thấy, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) muốn được lắng nghe trên trường quốc tế.
Trung Quốc đang lớn mạnh với tốc độ nhanh hơn dự tính của các nhà lãnh đạo nước này, một phần vì các nước phương Tây bị tổn thất nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giờ đây, Bắc Kinh phải học cách hành xử như một cường quốc. Sau 2 thế kỷ, từ nạn nhân trở thành kẻ ngoài cuộc trong các sự kiện toàn cầu, Trung Quốc đã nổi lên là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Thành tích này thực sự không dễ dàng có được, nhất là khi nhiều nước láng giềng muốn mọi chuyện vẫn như xưa. Trung Quốc đang nhận ra rằng, giống như các nước láng giềng, bản thân cũng phải điều chỉnh để thích nghi với sự lớn mạnh của chính mình.
PLA, lực lượng được thành lập nhằm bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc khỏi sự xâm lược từ bên ngoài, cho biết, đang cắt giảm quân số để xây dựng đội quân viễn chinh với sức mạnh của hải quân và không quân. Đó là những gì các cường quốc đang làm.
Tương tự như vậy, các nhà hoạch định chính sách dân sự của Trung Quốc thường gặp khó khăn trong việc tìm được sự cân bằng giữa việc khẳng định những gì Trung Quốc tuyên bố hợp pháp và sự thừa nhận rằng các cường quốc cần trấn an các nước khác.
Trong mắt phương Tây, luôn tồn tại một bất đồng giữa việc tuyên bố về chủ quyền bất khả xâm phạm đối với lãnh thổ đang tranh chấp và việc đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực để chiếm ưu thế.
Điều tạo ra sự khác biệt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm của ông là quyết tâm tập trung quyền lực cá nhân trong nước và dự tính sức mạnh bên ngoài. Công trình cải tạo đất ở Biển Đông là sự thể hiện sức mạnh ra bên ngoài. Ngoài ra, chiến lược Một vành đai, Một con đường nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên lục địa Á-Âu cũng thể hiện tham vọng rất lớn của nước này.
Bắc Kinh có quan điểm riêng khi nói rằng mọi chuyện không mãi như cũ. Luận điểm mạnh mẽ nhất và cũng đơn giản nhất của nước này là thế giới đã thay đổi. Phạm vi và tính phức tạp về lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc đã tăng lên nhiều lần. Giống như các cường quốc khác, Trung Quốc phải đảm bảo vị thế trong việc vạch ra đường lối hành động cho toàn cầu. Chúng ta không thể nhìn thế kỷ 21 bằng con mắt của thế kỷ 20.
Tuy nhiên, tham vọng của Bắc Kinh đang xung đột với Mỹ. Sự hiện diện của Mỹ tại Đông Á là sự đảm bảo cho hòa bình khu vực. Hơn nữa, Mỹ đến Đông Á theo lời mời của các nước trong khu vực. Các nước láng giềng của Trung Quốc yêu cầu Mỹ can thiệp mạnh hơn.
Đông Á sẽ không còn như xưa vì một lý do đơn giản là sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thay đổi cục diện cuộc chơi. Mỹ không thể có được quyền tối thượng nhưng Trung Quốc cũng không thể tuyên bố quyền bá chủ của mình. Một trật tự mới phải thỏa mãn cả 2 bên.
Nhật Trường
Nguồn FT