Fed vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất
Theo biên bản họp chính sách ngày 28-29/7 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hầu hết các quan chức “đều nhận định vẫn chưa đạt được toàn bộ các điều kiện để tăng lãi suất, nhưng những điều kiện này đang đến gần”.
Biên bản cuộc họp cũng không nhắc đến việc Fed có nên hành động vào tháng 9 hay chờ thêm một thời gian nữa để thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn về lạm phát. Cuộc họp nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà FOMC đang gặp phải: trong khi thị trường lao động tiếp tục tăng trưởng tốt với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,3%, giữ lãi suất ở mức gần 0 là công việc ngày càng khó khăn vì kinh tế Mỹ đã bước sang năm tăng trưởng thứ 7.
Hơn nữa, Fed cũng thể hiện nỗi lo lắng về những ảnh hưởng của lãi suất tăng đối với mục tiêu lạm phát 2% - mục tiêu mà Fed đã liên tục bỏ lỡ trong hơn 3 năm qua.
Fed cũng muốn tránh mắc phải lỗi lầm tương tự như trong quá khứ, khi Fed nâng lãi suất quá sớm mà tỷ lệ lạm phát vẫn yếu và khiến nền kinh tế quay trở lại tình trạng suy thoái.
Fed nhận định giá hàng hóa thế giới sụt giảm, một phần do kinh tế Trung Quốc giảm tốc, có thể gây áp lực lên mục tiêu lạm phát, trong khi tiền lương của Mỹ đang bị mắc kẹt. Mức lương trung bình chỉ tăng 2% mỗi năm dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hồi phục từ tháng 6/2009.
Một số quan chức cảnh báo rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn có thể gây ra những rủi ro đối với triển vọng kinh tế Mỹ.
Theo số liệu kinh tế vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này chỉ tăng 0,2%, lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng tăng 1,8%. Lạm phát Mỹ chịu sức ép giảm khi giá các hàng hóa, đặc biệt là dầu thô giảm mạnh. Thêm vào đó, những diễn biến ở Trung Quốc gồm biến động của thị trường chứng khoán và động thái phá giá nhân dân tệ cũng khiến Fed lo ngại đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Biên bản nhấn mạnh, Fed tăng lãi suất có thể khiến USD mạnh lên, giá hàng hóa giảm hơn nữa và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg