Thứ Bảy | 15/06/2013 18:01

Fed và thị trường mới nổi: Mối quan hệ đang tới hồi kết?

Khả năng kết thúc nới lỏng tiền tệ của Mỹ khiến các thị trường tiền tệ, trái phiếu thế giới mới nổi chấn động.
Có rất nhiều lý do để một nhà quản lý quỹ muốn bán đồng rand Nam Phi. Nền kinh tế của quốc gia châu Phi này đang tăng trưởng ít ỏi. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% lực lượng lao động, tương đương với khu vực tồi tệ nhất của khu vực đồng euro (eurozone). Ngành khai khoáng Nam Phi bị bao vây bởi tình trạng lao động bất ổn khi giá cả hàng hóa đang đi xuống. Thâm hụt thương mại lớn của Nam Phi là dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất địa phương đang phải vật lộn trong vô vọng chống lại các đối thủ nước ngoài. Đồng rand đã giảm 16% so với USD trong năm nay. Chỉ có đồng bảng Syria và đồng bolivar của Venezuela là trong tình trạng tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, những khó khăn trong nước không phải là lý do duy nhất khiến đồng rand lao dốc. Nam Phi có các thị trường tài chính của một nước giàu: dễ dàng mua bán trái phiếu, cổ phiếu hơn hầu hết các nước thu nhập trung bình. Vì vậy rand là một đồng tiền tiện lợi với các nhà đầu cơ khi họ có thể đầu tư vào các thị trường mới nổi dễ dàng hơn. Khi đám đông "đánh hơi" thấy chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ đang dần chấm dứt, trái phiếu và tiền tệ các thị trường mới nổi là những tài sản mà họ muốn bán. Đồng rand chỉ là đồng tiền chịu thiệt hại tồi tệ nhất trong một danh sách dài những đồng tiền dễ bị tác động.

Trong tháng qua, 19/24 đồng tiền của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi giảm giá so với đô la Mỹ. Khởi động cho đợt bán tháo này là nhận xét trong tháng 5 của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke rằng việc sử dụng tiền của ngân hàng trung ương để mua trái phiếu của Fed có thể sớm giảm dần. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ mức thấp 1,6% lên 2,2%. Triển vọng lợi suất tăng cao hơn nữa theo thời gian có thể đẩy tăng giá USD và thu tiền từ những khu vực rủi ro cao hơn trên thế giới về Mỹ. Việc các thị trường mới nổi lao dốc tháng qua cũng là chỉ báo của xu hướng này.

Dường như phản ứng này quá gay gắt với một vài lời phát biểu không chuẩn bị trước. Ông Bernanke không đề cập tới những thay đổi ngay lập tức trong một chính sách. Chương trình mua trái phiếu của Fed sẽ tiếp tục nhưng có thể sẽ không kéo dài hơn khi tỷ giá hiện giờ là 85 tỷ USD/tháng. Chuyện Fed tăng lãi suất ngắn hạn, hiện đang gần 0, có thể vẫn là chuyện vài năm nữa.

Mặc dù vậy, triển vọng hoạt động mua trái phiếu của Fed giảm dần có thể đánh dấu sự khởi đầu của một đợt tăng dài để lợi suất trái phiếu Mỹ lên mức bình thường hơn. "Đây sẽ không phải là một mối quan hệ đường thẳng", Kit Juckes từ Societe Generale phát biểu. Lãi suất sẽ vẫn biến động để tìm giá trị đúng. Sự vắng mặt cho tới gần đây của tình trạng biến động đã khiến các nhà đầu tư những nước giàu phóng tay với những vụ đặt cược kỳ lạ vào trái phiếu các thị trường mới nổi. Khi "biển động", họ sẽ không còn mấy sẵn sàng chấp nhận trò chơi may rủi như vậy nữa. Những yêu cầu vốn khó khăn hơn đồng nghĩa với việc các bộ phận giao dịch của các ngân hàng giờ đây ít hứng thú với việc mua và nắm giữ các tài sản mà nhà đầu tư bán tháo: điều đó sẽ chỉ khiến giá trái phiếu biến động hơn.

So sánh tiền tệ thị trường mới nổi với USD
Những quốc gia dễ bị tổn thương nhất là những nước dựa vào dòng vốn ngoại để thu hẹp khoảng cách giữa chi tiêu và thu nhập. Nam Phi hiện có thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn so với GDP: đồng rand cũng chịu tác động theo đó. Vị thế của đồng tiền này cũng chịu thiệt hại khi giá hàng hóa nguyên liệu giảm, một phần bởi tăng trưởng chậm lại từ Trung Quốc.

Một số ít các quốc gia khác, từ Chile và Brazil thuộc thế giới mới nổi tới những nước giàu như Australia, chia sẻ tình trạng suy yếu khi có một đường cong hàng hóa nguyên liệu, mức thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn và một đồng tiền đang trượt giá.

Đồng tiền của một số nhà xuất khẩu hàng hóa cũng đang chao đảo. Ấn Độ có thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 5,1% GDP, đồng rupee đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD trong tuần này. Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào dòng tiền nóng để bù đắp thâm hụt. Những cuộc biểu tình tại Istanbul góp thêm một lý do để bán đi đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là sự hoảng loạn hay chuyện gì đó nghiêm trọng hơn? Tiền tệ các thị trường mới nổi trải qua một tháng tồi tệ rồi lại phục hồi. Fed có thể phải bước đi cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, dù chỉ một đợt tăng chậm, ổn định của lợi xuất trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng với đồng đô la tăng giá cũng mang tới khó khăn. Khoảng 4.000 tỷ USD đã đổ vào các thị trường mới nổi kể từ năm 2009, theo Stephen Jen của quỹ phòng hộ SLJ Macro Partners. Phần lớn trong số đó được đẩy ra nước ngoài bởi lợi suất thấp trong lời chào mời tại thế giới giàu hơn là bị lôi kéo bởi triển vọng lợi nhuận cực lớn, ông Jen cho biết. Nếu chỉ có một phần nhỏ của số vốn đó được các nhà đầu tư lo ngại rút về, một đợt bán tháo đã hình thành.

Những giai đoạn đồng đô la Mỹ mạnh và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng trong quá khứ đều theo sau bởi những cuộc khủng hoảng nợ và tiền tệ - tại Mỹ Latin đầu những năm 1980 và châu Á giữa thập niên 1990. Mọi chuyện giờ đây đã khác bởi một yếu tố quan trọng, một chuyên gia từ quỹ phòng hộ North Asset Management - George Papamarkakis lưu ý.

Trong quá khứ, các ngân hàng ở những nước giàu cho các nước nghèo hơn vay bằng USD. Khi dòng vốn đảo chiều, những người đi vay bị bỏ lại với những khoản nợ ngày càng lớn khi đồng USD tăng giá. Ngược lại với dòng vốn lớn đổ vào các trái phiếu bằng tiền địa phương gần đây. Trong khi các nhà đầu tư hưởng lợi từ một vòng quay có đạo đức của giá trái phiếu cao hơn và các đồng tiền mạnh lên. Tuy nhiên, họ giờ đây đang đối mặt với thua lỗ có khả năng ngày càng tăng.

Vì vậy, một số điều chỉnh sẽ gây đau đớn cho thế giới giàu. Các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi thậm chí có thể thu lời từ nó. Họ có thể bán số USD mà họ đã thêm vào dự trữ khi giá rẻ trong khi cùng lúc kiểm tra tình trạng tỷ giá giảm. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi không thể thoát khỏi ảnh hưởng. Thậm chí những phản ứng nhẹ nhàng nhất trong chu kỳ tiền tệ Mỹ cũng được khuếch đại tại đây: lãi suất tại một số nước đang tăng khi các nhà đầu tư nước ngoài vét cạn các trái phiếu tiền địa phương.

Cách đây không lâu từng có những khiếu nại rằng chính sách nới lỏng của Fed đang đẩy giá tiền tệ các thị trường mới nổi để gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu tại đây. Bây giờ các đồng tiền đang giảm nhưng kết quả sẽ không thể không đau đớn. Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ không mang lại nhiều niềm vui như sự bùng nổ tiêu dùng được thúc đẩy bởi tín dụng nước ngoài giá rẻ và một đồng tiền thân thiện.

Nguồn Dân Việt/Economist


Sự kiện