Thứ Sáu | 20/09/2013 16:14

FED và RBI: Kẻ bán, người mua

Giữ nguyên QE3, Fed trao thêm thời gian cho các thị trường mới nổi có đồng tiền mất giá mạnh và cơ hội này đã được Ấn Độ nhanh tay nắm lấy.

Hai tuần sau lễ nhậm chức chính thức của tân Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), ông Raghuram Rajan vừa đưa ra quyết định gây chấn động trong ngày hôm nay 20/9: nâng lãi suất repo (lãi suất RBI cho các ngân hàng vay lại) thêm 25 điểm cơ bản, lên 7,5%.

Được đưa ra đúng một ngày, sau sự thận trọng bất ngờ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), RBI cũng đáp lại bằng một bất ngờ khác, nhưng là một bất ngờ hợp lý.

Trước đó, kết quả cuộc họp tháng 9 của FED đã được đưa ra. Theo đó, chương trình nới lỏng định lượng (QE) vẫn tiếp tục được Fed giữ nguyên, ở mức 85 tỷ USD hàng tháng.

Không ít nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế nhận định rằng, đây chẳng khác nào món quà Fed dành tặng cho thị trường mới nổi, nơi các đồng tiền đang sụt giá mạnh nhất lịch sử. Riêng tại Ấn Độ, đồng rupee đã mất đến 14% giá trị, chỉ trong vòng 6 tháng qua.

Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ có thêm khoảng 1 tháng nữa để ổn định tình hình, kiểm soát đà mất giá của đồng rupee. Khoảng thời gian 1 tháng chính là món hàng mà FED đã bán cho các thị trường mới nổi, như Ấn Độ hay Indonesia. Ngay lập tức, Ấn Độ quyết định nắm giữ khoảng thời gian quý giá này, bằng quyết định tăng ngay lãi suất.

Vậy thì cái giá đem ra trao đổi là gì, nếu không phải là tăng trưởng. Tiếp tục giữ nguyên tốc độ mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp, đồng nghĩa với việc FED tiếp tục ủng hộ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Ở thái cực ngược lại, tăng lãi suất, nghĩa là Ấn Độ đã chấp nhận đánh đổi sự ổn định bằng chính tăng trưởng (hiện chỉ còn 4,4%), thậm chí có thể quay trở lại quãng thời gian đen tối của "thời kỳ tăng trưởng Hindu".

Tân Thống đốc RBI, Rajan vừa có quyết định quan trọng đầu tiên sau ngày nhậm chức, nâng lãi suất repo lên 7,5%.
Tân Thống đốc RBI, Rajan vừa có quyết định quan trọng đầu tiên sau ngày nhậm chức:
nâng lãi suất repo lên 7,5%.

Đặt kịch bản ngược lại, nếu không thế, liệu ông Rajan còn lựa chọn nào khác không?

Có hai biện pháp mà RBI đã sử dụng trong suốt thời gian qua. Một là áp dụng mệnh lệnh hành chính. Hai là, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường.

Nếu như mệnh lệnh hành chính trong một nền kinh tế thị trường luôn bộc lộ nhiều hạn chế, thì việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối đã khiến cho dự trữ của Ấn Độ giảm 13% trong năm nay, xuống chỉ còn 278 tỷ USD, tương đương 7 tháng nhập khẩu, trong khi dự trữ của Ấn Độ phải tương đương ít nhất 10 tháng nhập khẩu mới có thể ổn định giá trị đồng rupee.

Một hạn chế nữa từ việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, chính là nguy cơ hững chịu một cuộc tấn công tiền tệ. Bởi điều kiện quan trọng nhất để một cuộc tấn công như vậy xảy ra, đó là nhà đầu cơ biết trước quỹ dự trữ ngoại hối của một quốc gia sẽ sớm cạn kiệt nhanh chóng.

Thị trường tài chính Ấn Độ đang chao đảo vì những nhầm tưởng rằng, có thêm thời gian để suy xét, RBI sẽ không cần vội vàng ra quyết định, nhưng thực tế thì ai cũng thấy. Vượt trên mọi áp lực cần duy trì tăng trưởng tốt, từ chính quyền thủ đô New Delhi trước thềm tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong vòng 8 tháng tới, ông Rajan vẫn ra một quyết định dũng cảm, bất chấp những phản đối của nhà đầu tư và chính quyền mà ông đang phục vụ.

Sự quả quyết và dũng cảm của ngài tân Thống đốc RBI, trái ngược hẳn với sự thận trọng của Bernanke.

Quyết định được đưa ra sớm hơn dự kiến vì đơn giản, điều Ấn Độ cần hơn là thời gian, mà thời gian thì luôn là thứ hàng xa xỉ đối với bất kì nền kinh tế nào đứng trên bờ vực của sự khủng hoảng.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện