Thứ Ba | 29/01/2013 20:11

Fed: Tội đồ lớn nhất của kinh tế Mỹ?

Thực chất, các gói kích thích của Fed chỉ làm tình hình thêm tồi tệ?
Trong cuộc họp diễn ra tuần này, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke và những người đồng nghiệp của ông sẽ chứng kiến nền kinh tế phục hồi với tốc độ yếu ớt hơn nhiều so với dự đoán trước đó.

Hồi đầu năm 2010, họ dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 4% và tốc độ tăng trưởng thực tế chỉ bằng một nửa – 2%. Ngược lại, các chương trình kích thích được tiếp tục thực hiện với qui mô ngày càng phình to.

Fed vẫn tiếp tục thông báo các chương trình mua tài sản sẽ được thực hiện trong thời gian sắp tới. Lãi suất liên bang được duy trì ở mức 0% ít nhất là trong một vài năm tới. Và, không giống như các động thái trong suốt thời kỳ khủng hoảng, ở giai đoạn này, chính sách của Fed không mang lại kết quả như ý muốn. Trong khi đổ lỗi cho các yếu tố tiêu cực bên ngoài, họ đã lờ đi sự thật là chính các chính sách của Fed cũng là một phần nguyên nhân.

Điều nổi bật nhất là dễ nhận thấy nhất là các động thái của Fed đã tạo nên sự mập mờ. Người ta nhận ra rằng cuối cùng thì Fed cũng phải đảo ngược chính sách. Khi nền kinh tế bắt đầu nóng lên, để tránh lạm phát, Fed sẽ phải bán ra số tài sản đã mua vào trước đó.

Nếu qui trình này diễn ra chậm rãi, nền kinh tế có thể hấp thụ được và không có điều gì xảy ra. Tuy nhiên, nếu như quá trình này diễn ra quá nhanh, giá trái phiếu sụt giảm và lãi suất tăng quá nhanh.

Lãi suất ở mức 0% cũng thôi thúc các nhà đầu tư vốn không chuộng rủi ro (như những người đã nghỉ hưu và các quỹ lương hưu) tìm đến các tài sản rủi ro nhằm thu về mức lợi suất cao hơn. Lãi suất thấp cũng khiến các ngân hàng ưa chuộng đảo nợ hơn là thực hiện bút toán giảm nợ. Hơn nữa, lãi suất siêu thấp cũng khuyến khích chính phủ chi tiêu, đẩy thâm hụt ngân sách và nợ lên cao.

Nghiêm trọng hơn, chính sách tài khóa còn khiến người ta hoài nghi về độ tin cậy và tính độc lập của Fed. Niềm tin vào ngân hàng trung ương đã sụt giảm nghiêm trọng.

Với các chương trình mua tài sản của Fed, tăng trưởng tiền tệ của nước Mỹ cũng biến động khá mạnh: từ mức 10% của tháng 1/2009 giảm xuống còn 2% trong tháng 6/2010 và sau đó lại quay trở lại mức 10% vào đầu năm 2012. Cung tiền biến động quá mạnh khiến sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô bị lung lay. Từ trước đây rất lâu, nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman đã lên tiếng cảnh báo về điều này.

Chưa hết, không muốn đồng nội tệ tăng giá nhanh chóng – điều bất lợi cho các nhà xuất khẩu, các NHTW khác cũng có xu hướng chạy theo chính sách nới lỏng tiền tệ. Sức ép buộc phải thực hiện các gói kích thích mà NHTW Nhật Bản phải đối mặt chính là minh chứng hùng hồn cho luận điểm này.

Thậm chí, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo thế giới đang đối mặt với rủi ro bong bóng tín dụng.
Đứng trước các lập luận này, Ủy ban thị trường mở FOMC – cơ quan hoạch định chính sách chủ chốt của Fed – phản pháo rằng chi phí bỏ ra sẽ được bù đắp bằng những lợi ích khổng lồ. Sử dụng các mô hình kinh tế học, họ lập luận rằng lãi suất siêu thấp và chương trình mua tài sản đã giúp giảm đáng kể tình trạng thất nghiệp và kích cầu.

Tuy nhiên, các mô hình này đã không thể phát huy tác dụng trong việc đánh giá các chương trình được Fed thực hiện trong mấy năm gần đây. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế học vi mô còn chỉ ra rằng chính sách của Fed làm giảm lực cầu và tăng thất nghiệp.

Lãi suất được giữ ở mức siêu thấp với hi vọng lãi suất dài hạn cũng giảm xuống. Fed cũng đang gián tiếp áp trần lãi suất cho thị trường dài hạn khi khẳng định sẽ duy trì lãi suất siêu thấp. Tuy nhiên, hiệu ứng phụ xảy ra khi trần lãi suất thấp hơn điểm cân bằng tự nhiên của thị trường. Trong khi người đi vay hài lòng với mức lãi suất gần 0, người cho vay chắc chắn không muốn kéo dài mức lãi suất suất này.

Hệ quả là người đi vay giảm lượng tín dụng cung cấp ra ngoài thị trường. Tín dụng sụt giảm kéo theo lượng cầu sụt giảm và thất nghiệp tăng.

Nghiên cứu vừa được 2 nhà kinh tế học Eric Swanson và John Williams công bố minh họa khá rõ nét lập luận này. Theo đó, trong khi tín dụng cho các doanh nghiệp tăng 12% trong 2 năm qua, tín dụng cho khu vực phi doanh nghiệp lại sụt giảm.

Mỉa mai thay, Fed đang vướng vào vòng luẩn quẩn: tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp chừng nào thị trường lao động cũng như lực cầu chưa được cải thiện.

Nguồn CafeF


Sự kiện