Thứ Ba | 27/08/2013 15:52

Fed sẽ giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc?

Sau nhiều năm nỗ lực phục hồi kinh tế do khủng hoảng ngân hàng của mình, giờ đây Mỹ có thể phải buộc phải giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 tính đến thời điểm này được định hình bởi các dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào Mỹ khiến lãi suất toàn cầu xuống mức thấp nhất có thế, làm bùng lên bong bóng tại các nền kinh tế phát triển. Xu thế này thông qua tác động của nó vào thị trường tiền tệ cũng giúp cho Trung Quốc trỗi dậy nhanh hơn.

Tuy nhiên, thay vì được thúc đẩy bởi đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp mà chủ yếu các dòng vốn này là từ ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) khi dự trữ ngoại hối kỷ 3,5 nghìn tỷ USD của ngân hàng này chủ yếu là trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Việc một định chế có ảnh hưởng quá lớn đến các xu thế kinh tế vĩ mô toàn cầu khiến nhiều người nghi ngờ về độ an toàn của các khoản nợ của Mỹ mà Trung Quốc sẽ sớm bán tống bán tháo. Điều này sẽ đẩy lãi suất ở Mỹ lên cao và gây ra sự sụp đổ của đô la Mỹ.

Tuy nhiên theo lập luận của nhiều chuyên gia, việc Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ không có lợi cho chính nước này bởi lẽ việc bán ra số lượng lớn như vậy sẽ làm nhân dân tệ tăng giá, làm giảm giá trị (tính theo nhân dân tệ) của kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc đồng thời làm giảm lợi thế và tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.

Trên thực tế, báo cáo hồi cuối năm ngoái đánh giá khía cạnh an ninh – quốc phòng từ việc Trung Quốc nắm giữ lượng trái phiếu Mỹ khổng lồ, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết “các nỗ lực nhằm sử dụng trái phiếu chính phủ Mỹ như là công cụ để đạt được mục đích của mình sẽ chỉ có tác động hạn chế và sẽ làm hại chính Trung Quốc hơn là làm hại Mỹ”.

Để mô tả mối quan hệ cộng sinh này giữa tăng trưởng GDP dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc và tiêu dùng ồ ạt của Mỹ, nhà kinh tế Nial Ferguson và Moritz Schularick đã sử dụng thuật ngữ “Chimerica”. Sử dụng thuật ngữ của thần thoại Hy Lạp về con quái vật gớm ghiếc đuôi rồng, mình dê và đầu sư tử càng làm cho biệt danh này của 2 siêu cường kinh tế thích hợp trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc là tác nhân gây ra các biến động méo mó, nghiêm trọng trong nền kinh tế toàn cầu và không thể khắc phục thành công mà không để lại các hậu quả nghiêm trọng.

Chính những méo mó gây ra cho kinh tế toàn cầu khiến Ferguson và Schularick đưa ra tiên đoán vào năm 2009 là mối quan hệ giữa tiêu dùng Mỹ và tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ sụp đổ. Có vẻ như dự báo này đang trở thành hiện thực. Với việc các tác động dài hạn của các động lực kinh tế nội tại của Trung Quốc cuối cùng cũng có tác động mạnh mẽ, việc bán tháo kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện nay sẽ có lợi cho nước này.

Trong suốt 1 thập niên vừa qua, một lượng vốn ngắn hạn khổng lồ đã được bơm vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc dẫn đến hậu quả là các ngân hàng thương mại cũng như các định chế tài chính khác của nước này đã cho vay ồ ạt, đặc biệt là qua hệ thống ngân hàng ngầm - ngân hàng phi chính thức, dẫn đến bong bóng tín dụng cũng như đầu tư quá mức. Nhằm kiểm soát được rủi ro đang gia tăng, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đã từ chối bơm thêm thanh khoản cũng như đang giảm bớt các khoản cho vay đối với các lĩnh vực không lợi nhuận.

Fed sẽ giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc?

Tuy nhiên các nỗ lực này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc, đòi hỏi Trung Quốc phải tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng. Với kịch bản đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này có thể lên đến 1 nghìn tỷ USD.

Rõ ràng công cụ tiện ích nhất của quá trình điều chỉnh cơ cấu vốn các ngân hàng Trung Quốc là bơm tiền cho hệ thống. Tuy nhiên nợ công của Trung Quốc – bao gồm cả nợ ngoại bảng của chính quyền phương có lẽ lên đến 70% GDP nước này. Bất chấp các tranh luận liên quan đến các chi tiết cụ thể, kết luận nghiên cứu của 2 giáo sư Harvard Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff rằng tỷ lệ nợ/GDP cao có thể ngăn cản tăng trưởng kinh tế vẫn được công nhận rộng rãi. Do đó việc tăng tỷ lệ nợ công/GDP lên 100% sẽ không mang lại lợi ích dài hạn cho Trung Quốc.

Kể cả trong trường hợp các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cho rằng mình có đủ khả năng thực hiện chiến lược này thì có lẽ họ cũng không dám làm do yếu tố rủi ro lạm phát – biến số kinh tế có khả năng dẫn đến bất ổn xã hội cao nhất.

Trong bối cảnh và các điều kiện hiện nay, nếu xảy ra khủng hoảng tài chính thì khả năng là Trung Quốc sẽ “xả” kho trái phiếu chính phủ Mỹ mà nước này đang nắm giữ. Tuy nhiên may mắn cho Trung Quốc là hậu quả tiêu cực từ động thái này có lẽ sẽ đỡ nghiêm trọng hơn các tính toán trước đó.

Một điều chắc chắn là việc bơm trái phiếu chính phủ Mỹ vào hệ thống ngân hàng và sau đó là việc chuyển đổi các trái phiếu này ra nhân dân tệ sẽ khiến nội tệ của Trung Quốc tăng giá. Tuy nhiên việc tỷ giá tăng có thể bù đắp lại bằng xu hướng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc do nới lỏng kiểm soát vốn sẽ cho các nhà đầu tư và người gửi tiền tránh khỏi tác động của khủng hoảng tài chính.

Hơn nữa, kể cả nhân dân tệ tăng giá trong ngắn hạn, Trung Quốc cũng không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu như trước nữa: nếu không tính các mặt hàng lắp ráp và tái chế thì xuất khẩu hiện chiếm chưa đến 5% GDP của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào việc thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng định lượng, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) nên chuẩn bị tinh thần cho 1 đợt “xả hàng” trái phiếu Mỹ từ Trung Quốc. Việc điều chỉnh lại cấu trúc vốn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc bằng trái phiếu chính phủ Mỹ có thể làm mất tác dụng của chính sách tiền tệ của Mỹ, làm tăng chi phí các khoản vay và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP, Fed nên sẵn sàng để duy trì chương trình nới lỏng định lượng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc.

Sau nhiều năm nỗ lực phục hồi từ khủng hoảng hệ thống ngân hàng của nước mình, giờ đây Fed đang buộc phải giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người hy vọng vào một thay đổi căn bản và có thể là tái cân bằng trong quan hệ Trung – Mỹ.

Nguồn Project-syndicate/Dân Việt


Sự kiện