Fed sẽ có cái nhìn mới về thị trường chứng khoán?
William Dudley, chủ tịch chi nhánh Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York, từ lâu đã cho rằng các nhà làm chính sách của cơ quan này phải chú ý nhiều hơn tới những biến động trên thị trường chứng khoán. Và hiện giờ, khi Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua thì Dudley, vốn cũng là phó chủ tịch của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) thuộc Fed, sẽ có cơ hội đưa ý tưởng này vào thực tiễn.
Fed có 2 sứ mệnh: toàn dụng nhân công và bình ổn giá cả, vốn được thực hiện qua việc thay đổi lãi suất cho vay chủ chốt, hay còn gọi là lãi suất quỹ liên bang (federal funds rate). Khi đánh giá về nền kinh tế, cơ quan này chủ yếu dựa vào báo cáo việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng. Họ không chú trọng nhiều đến giá chứng khoán, vốn luôn biến động, tăng mạnh hôm nay, giảm mạnh vào ngày mai, và đôi khi không vì lý do nào cả.
Nhưng những biến động thị trường như vậy có thể giúp nhà đầu tư cảm thấy giàu lên hay nghèo đi, ảnh hưởng tới xu hướng chi tiêu của họ. Do vậy, thị trường chứng khoán có thể là chỉ báo về nền kinh tế tốt hơn là những thống kê như chi tiêu của người tiêu dùng, và ông Dudley cho rằng Fed nên chú ý đến những gì xảy ra trên Phố Wall khi cân nhắc những quyết định về chính sách tiền tệ của mình. Nếu Fed thực hiện điều này – nhất là khi thị trường chứng khoán đã tăng hơn 10% kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - lãi suất có thể sẽ được nâng cao hơn hay là nhanh hơn trong năm nay, so với việc chỉ dựa vào các chỉ số như thất nghiệp và lạm phát.
Mối liên hệ giữa lãi suất của Fed (màu xanh) và giá chứng khoán (màu đỏ) khá phức tạp: có lúc lãi suất lên thì chứng khoán giảm nhưng cũng có nhiều lúc ngược lại. Ảnh: quora.com |
Theo Dudley thì: “Tâm lý bầy đàn trên thị trường tăng giảm, khiến giá tài sản tăng lên hay giảm xuống theo cách mà có thể trung hòa hoặc vượt qua những ảnh hưởng của biến động lãi suất ngắn hạn. Biến động của nhiều thị trường tài chính sau cuộc bầu cử năm ngoái là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này”, ông Dudley cho biết như vậy trong một bài phát biểu mang tên “Sự quan trọng của điều kiện tài chính trong việc đưa ra các chính sách tiền tệ” vào ngày 30/3.
Trong thập niên 1990, khi còn làm kinh tế gia trưởng tại Goldman Sachs, Dudley đã nghiên cứu những gì mà ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã làm. Các nhà làm chính sách của BoC gặp một vấn đề: Dòng vốn chảy vào thị trường tài chính quốc tế dẫn tới biến động đồng đôla Canada, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu ra thế giới. Những biến động như vậy đã khiến công cụ truyền thống mà BoC sử dụng là thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ thông qua việc tăng hay giảm lãi suất ngắn hạn trở nên kém hiệu quả, theo ông Charles Freedman, phó thống đốc BoC từ năm 1988 tới 2003.
Ví dụ, các doanh nghiệp Canada đang được hưởng lợi từ tỷ giá yếu có thể sẽ không tiếp nhận thông tin mà BoC đang cố gắng truyền tải là tăng lãi suất. Ông Freedman, hiện đang là giảng viên tại Đại học Carleton, cho rằng: “Để khiến người dân nắm được ý này, chúng tôi phát triển một “chỉ số điều kiện tiền tệ”, chủ yếu là kết hợp 2 kênh thông tin kia vào, và công chúng sẽ có thể dựa vào đó so sánh tác động của lãi suất với những biến động về tiền tệ. Người ta có thể nhìn vào chỉ số này và nói rằng lãi suất không biến động nhưng tỷ giá thì biến động, và vì thế thị trường và các điều kiện tiền tệ đang được nới lỏng hay thắt chặt theo định hướng của ngân hàng trung ương”.
Ý tưởng này nhận được sự chú ý tại Phố Wall, bao gồm cả Goldman Sachs. Trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm 1996 tại Đại học Princeton, Dudley cho rằng: “Các quan chức Fed cần phải đánh giá cẩn thận ảnh hưởng từ những biến động về giá tài sản lên tình hình kinh tế”. Ông lấy các chỉ số mà những nhà kinh tế học của Goldman đã phát triển nhằm theo dõi biến động lãi suất và tiền tệ trong nhiều quốc gia. Những chỉ số điều kiện tiền tệ này một phần lớn dựa vào “những đột phá từ BoC nói chung và ông Chuck Freedman nói riêng”.
Vào tháng 2 năm 1998, sau phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan, Dudley và nhóm nghiên cứu tại Goldman đi thêm bước nữa. Ông Greenspan nói với Quốc hội rằng dù lãi suất điều chỉnh theo lạm phát đã tăng lên, tất cả các khía cạnh khác của thị trường tài chính vẫn đang tăng trưởng, và thực tế là với đà tăng của giá chứng khoán thì chi tiêu nội địa tiếp tục có động lực tăng”. Những bình luận như thế đã thúc đẩy nhóm của Dudley thêm chỉ số chứng khoán vào chỉ số điều kiện tiền tệ, chuyển nó thành “chỉ số điều kiện tài chính”.
Xác suất Fed tăng lãi suất trong các cuộc họp của năm nay. Ảnh: Livemint |
Dudley hiện vẫn tin tưởng vào chỉ số này, và có nhiều dấu hiệu cho thấy chủ tịch Fed Janet Yellen cũng đang chú ý hơn vào nó. Theo biên bản họp của FOMC vào ngày 15/3, bà Yellen cho báo giới biết rằng “giá chứng khoán tăng lên có vẻ như sẽ là yếu tố giúp tăng chi tiêu dùng”, và nói thêm rằng “và một số nhà phân tích và chỉ số” đã cho thấy rằng điều kiện chung của ngành tài chính đang cải thiện, dù Fed đã tăng lãi suất.
Môt trong những nhà phân tích mà bà Yellen nhắc tới có lẽ là Jan Hatzius, người đã từng làm việc cho Dudley khi còn ở Goldman, có công giúp Dudley xây dựng chỉ số điều kiện tài chính và sau đó kế nhiệm ông ở vị trí kinh tế gia trưởng của Goldman vào năm 2005. Ông Hatzius nói rằng nếu chỉ số tiếp tục cho thấy rằng các điều kiện thị trường đang cải thiện dù Fed đã nâng lãi suất, thì các quan chức có thể quyết định tăng lãi suất nhanh hơn. Ông cho biết thêm: “Mối lo ngại ở đây là các điều kiện tài chính đang khá dễ dãi, và chúng ta đang tạo ra động lực tăng trưởng khá lớn tại thời điểm mà nền kinh tế có vẻ đang ở mức toàn dụng nhân công và lạm phát đang tiến gần tới mục tiêu của Fed”.
Một số thành viên khác trong FOMC, như là chủ tịch Fed tại Boston Eric Rosengren, đã cảnh báo về điều này. Ông đã trả lời phỏng vấn Bloomberg vào ngày 29/3 rằng: “Chúng tôi không muốn nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn mức tiềm năng quá nhiều vào thời điểm này” và đó là lý do ông cho rằng sẽ có 4 đợt nâng lãi suất trong năm 2017.
Theo Freedman thì trên hết Fed phải xem xét liệu tâm trạng trên thị trường có dẫn tới việc tăng tốc chi tiêu thật hay không vì theo ông thì: “Việc chứng khoán tăng thì tự thân nó không có ý nghĩa gì, nhưng có ảnh hưởng lên thái độ sẵn sàng chi tiêu của người dân”.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg