Fed rút QE3, kinh tế mới nổi đi về đâu?
Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ tiến gần đến việc rút bỏ chính sách kích thích kinh tế được áp dụng trong suốt những năm vừa qua đang đặt các nền kinh tế mới nổi giữa ngã ba đường.
Đạn đã lên nòng
Các nền kinh tế mới nổi đã thu hút được các dòng vốn lớn từ bên ngoài, đặc biệt từ Mỹ trong những năm gần đây khi các NHTW tại các nước phát triển đã triển khai các chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, khiến các dòng tiền đổ mạnh ra các thị trường bên ngoài, trong đó chủ yếu vào các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, dòng vốn này đã bắt đầu đảo ngược trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu (hay còn gọi là gói QE3) ngay sau khi nhóm họp trong tuần này và điều này có thể gây ra sự xáo trộn trên các thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu.
"Điều này cũng có nghĩa là giai đoạn định giá lại tài sản và tái cân bằng danh mục đầu tư bắt đầu diễn ra cũng như môi trường đầu tư toàn cầu đã bắt đầu thay đổi" - chuyên gia này giải thích.
Cùng quan điểm này nhưng có phần còn bi quan hơn, giáo sư Li Daokui thuộc Đại học Thanh Hoa và từng là cố vấn cho NHTW Trung Quốc cho rằng, việc Fed rút QE3 sẽ là sự bất ổn lớn nhất cho nền kinh tế thế giới. Quyết định của Fed có thể khiến các thị trường vốn toàn cầu "bốc hơi" tới 2 nghìn tỷ USD và làm cho dòng vốn chảy ra mạnh cũng như đẩy đồng nội tệ ở các nền kinh tế mới nổi mất giá.
Trong đó, theo số liệu của IIF, lượng vốn rút ròng khỏi các thị trường cổ phiếu, trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi từ đầu năm đến nay đã vào khoảng 50 tỷ USD, so với lượng vốn vào ròng 220 tỷ USD trong 12 tháng trước đó. "Nền kinh tế toàn cầu sẽ rất căng thẳng trong 1 đến 2 năm tới" - giáo sư Li nói và không quên dự báo thêm rằng, các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Ấn Độ có thể rơi vào khủng hoảng tài chính.
Theo ông Hung Tran, kinh tế Mỹ đang có những phục hồi vững chắc và điều này tạo điều kiện để Fed có thể sớm quyết định rút QE3. "Tôi tin kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi tốt ngay cả khi vẫn đang đối mặt với vấn đề khó khăn về củng cố tài khóa cũng như nếu gói QE3 được rút đi" - vị này nhận định. Điều này mang hàm ý là Fed đã sẵn sàng cho việc rút khỏi QE3, hay "đạn đã lên nòng".
Sẽ không xảy ra khủng hoảng
Mặc dù các thị trường tài sản của các nền kinh tế mới nổi chứng kiến sự bán tháo mạnh trong những tuần gần đây nhưng theo các chuyên gia phân tích, điều này sẽ không dẫn tới "thảm cảnh" là một cuộc khủng hoảng tài chính giống như khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998. Có 3 yếu tố là cơ sở để giới phân tích nhận định như trên:
Một là, quyết định của Fed dù chưa được đưa ra nhưng thông tin trên đã phản ánh vào giá tại các thị trường toàn cầu trong suốt thời gian gần đây. Vì thế nếu quyết định này có được ra vào ngay cuối tháng này thì ảnh hưởng của nó cũng sẽ không còn lớn.
Ông Hung Tran lấy ví dụ, kể từ ngày 22/5 - khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke phát đi tín hiệu về khả năng sẽ rút chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nay thì một số thị trường chứng khoán đã mất tới 20% giá trị.
Hai là, hiện các nền kinh tế mới nổi đã có chế độ tỷ giá linh hoạt cũng như dự trữ ngoại hối tốt hơn rất nhiều so với trước đây, thể hiện qua việc đến giờ không thấy các dấu hiệu cho thấy những mất cân bằng nghiêm trọng tại các thị trường này.
"Mức độ nợ của các thị trường mới nổi đang trong tình trạng tốt hơn nhiều so với năm 1998 và dự trữ ngoại hối mạnh cũng sẽ giúp các nền kinh tế này đối phó được với khủng hoảng" - ông Zhu Min, Phó tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhìn nhận.
Ba là, các tổ chức quốc tế đã cam kết sẵn sàng hỗ trợ tài chính nếu cần thiết. Như gần đây, bà Christine Lagarde - Giám đốc điều hành IMF cho biết, tổ chức này sẵn sàng đưa ra hỗ trợ tài chính nếu các thị trường đang nổi cần khi Fed rút QE3. Khối BRICS cũng đã đạt được thỏa thuận thành lập Quỹ ổn định tiền tệ chung của khối trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ…
Tái cấu trúc - bước đi cần thiết
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng các nền kinh tế mới nổi cần tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu để giảm thiểu các mất cân bằng kinh tế và xây dựng các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của thị trường tài chính, tránh sự phụ thuộc và bị chi phối quá nhiều từ các dòng vốn nóng bên ngoài chảy vào.
Trong một nghiên cứu mang tên "5 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính", các tác giả Charles Collyns và Saacha Mohammed của IIF cho rằng, tốc độ cải cách đã chậm lại trong những năm gần đây; những nút thắt cổ chai đã xuất hiện; các bảng cân đối tài chính suy yếu và tăng trưởng năng suất đã chậm lại tại nhiều quốc gia.
Trong đó, các nền kinh tế mới nổi là những thực thể có vị thế tốt nhất trong thúc đẩy các cải cách hiệu quả để duy trì các thành quả tăng trưởng mà họ đã đạt được trong những năm vừa qua, cũng như tránh được bẫy thu nhập trung bình.
Trong bối cảnh ấy, thực sự các nền kinh tế đang nổi đang đứng trước "ngã ba đường" và việc các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế này giải quyết các thách thức về cấu trúc thế nào sẽ quyết định triển vọng tăng trưởng cũng như mức độ hấp dẫn của các thị trường này trong tương lai.
Nguồn Thời báo Ngân hàng