Thứ Năm | 30/10/2014 14:02

Fed rút lui, ai sẽ tiếp bước trên thị trường trái phiếu Mỹ?

Như vậy hôm 29/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tuyên bố kết thúc gói QE3, rút lui khỏi thị trường trái phiếu Mỹ.
Gói QE3 kết thúc đồng nghĩa với việc thị trường trái phiếu Kho bạc và trái phiếu thế chấp của Mỹ mất đi người mua ròng lớn nhất. Vậy, ai sẽ tiếp bước Fed nhảy vào thị trường trái phiếu và lấp chỗ trống lớn kia?

Theo nhận định của một số chuyên gia, các ngân hàng lớn trên Phố Wall sẽ là những nhà đầu tư tiếp theo trên thị trường trái phiếu Kho bạc và trái phiếu thế chấp của Mỹ. Nguyên nhân bởi, khối ngân hàng này đang phải đối mặt với những quy định mới, buộc họ phải tăng nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao hơn.

Từ khi Fed bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng hồi tháng 12/2013, tổng nắm giữ trái phiếu Kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp quốc doanh (không bao gồm trái phiếu thế chấp) của các ngân hàng thương mại Mỹ đã tăng 23% lên 605 tỷ USD. Nếu tính cả trái phiếu thế chấp, con số này tăng lên 1,97 nghìn tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh St.Louis.

Đầu năm nay, Fed đưa ra quy định về tỷ lệ thanh khoản an toàn, yêu cầu các ngân hàng phải sở hữu các tài sản dễ bán và đủ thanh khoản nhằm duy trì hoạt động trong vòng 30 ngày nếu kinh tế lại suy yếu. Phần lớn các ngân hàng Mỹ đều phải đảm bảo tỷ lệ thanh khoản an toàn đến tháng 1/2015 trước khi quy định này được áp dụng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng vào năm 2017.

Bank of America là một trong những ngân hàng có sự thay đổi đáng chú ý nhất trên bảng cân đối ngân sách. Tính đến hết quý III/2013, Bank of America nắm giữ 2,8 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và đến quý III/2014, con số này đã tăng lên 57,5 tỷ USD, theo báo cáo tài chính quý III/2014.

Một ví dụ điển hình khác là ngân hàng Citigroup khi tăng 30% trong nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ lên 88 tỷ USD trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6/2014.

Hiện nay, các ngân hàng tiếp tục mua trái phiếu Kho bạc Mỹ để đáp ứng đủ điều kiện về tỷ lệ thanh khoản an toàn của Fed trước khi bước sang tháng 1/2015.

Không chỉ Fed, nhóm G20 mới đây cũng đưa ra quy định, yêu cầu tất cả các ngân hàng trên thế giới (với quy mô nhất định) phải có lớp đệm vốn lớn hơn. Các chuyên gia phân tích tại Barclays cho rằng, các ngân hàng quốc tế sẽ phải huy động hàng trăm tỷ USD mới có thể đảm bảo yêu cầu này. Nhiều ngân hàng có thể dễ dàng tự phát hành cổ phiếu hay trái phiếu để huy động vốn nhưng một số khác sẽ phải mua trái phiếu chính phủ xếp hạng AA, như trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Nguồn Theo DVO/ CNBC


Sự kiện