Thứ Tư | 23/01/2013 09:16

Fed nên tăng tốc bơm tiền

Nếu lạm phát vẫn thấp, việc gì không quyết liệt bơm tiền cứu kinh tế.
Người viết là giáo sư kinh tế Christina D. Romer, cựu chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống Barack Obama.

Chuyện ngân sách luôn kịch tính ở cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội, nên người ta bỏ qua mất việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang âm thầm thay đổi chính sách. Ngân hàng trung ương đã thi hành những chính sách quyết liệt hơn nhằm phục hồi kinh tế. Nhưng sự bất đồng trong nội bộ Fed có thể làm suy yếu chính sách kể trên trước khi nó thực sự có tác dụng.

Đầu tiên, gần đây Fed làm gì? Tới tận tháng 9 năm ngoái, chương trình mua trái phiếu của Fed vẫn công khai giới hạn cả về quy mô và thời lượng. Giới chức Fed sau đó đưa ra một chương trình mua không giới hạn, với cường độ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi thị trường lao động.

Và lời giải thích của Fed cũng đơn giản và lạc quan hơn thay vì những câu chữ mù mờ u tối vẫn hay được dùng để lý giải cho mọi động thái mở rộng tiền tệ.

Thế rồi, đến tháng 2, Fed khiến toàn thị trường bất ngờ khi thay cái dự báo rối rắm về lãi suất của mình bằng những con số cụ thể. Fed tuyên bố sẽ giữ lãi suất cơ bản (federal funds rate) ở gần mức 0 cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 6,5% hoặc lạm phát vượt 2,5%.

Trong hoàn cảnh hiện nay, thi hành những chính sách kể trên là rất quan trọng. Dữ liệu kinh tế công bố trước phiên họp của Fed hồi tháng 9 thực ra đã tốt hơn kỳ vọng.

Dựa trên dự báo công bố sau đó, ủy ban hoạch định chính sách của Fed đã lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng và việc làm so với ba tháng trước đó. Tuy vậy, việc họ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng cho thấy họ nghĩ trước đây mình làm thế là chưa đủ.

Giáo sư Kinh tế Christina D. Romer, cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của tổng thống Obama.
Giáo sư Kinh tế Christina D. Romer, cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của tổng thống Obama.
Cam kết giữ lãi suất thấp dù lạm phát có vượt 2% là đặc biệt ý nghĩa. Vài năm qua, Fed đã làm như thể 2% không chỉ là một mục tiêu, mà còn là một mức trần không bao giờ nên phá vỡ.

Nhưng với tình hình suy thoái tồi tệ cùng tỷ lệ thất nghiệp cao, nước Mỹ cần một thời kỳ tăng trưởng nhanh để khắc phục hậu quả. Sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu đà tăng trưởng như thế có khiến lạm phát vượt 2% một chút.

Khi Fed tuyên bố lạm phát 2,5% chấp nhận được trong ngắn hạn không có nghĩa cơ quan này đã từ bỏ cam kết ổn định giá. Thay vào đó, đây là một cam kết mạnh mẽ để đảm bảo phục hồi nhanh hơn.

Ngôn ngữ lạc quan hơn, cùng với cách mua trái phiếu "tất tay", dường như đã trấn an được người Mỹ rằng mọi chuyện sẽ khá hơn. Đó cũng là một yếu tố quan trọng.

Khi lãi suất ngắn hạn đã gần mức 0, công cụ chính của Fed nay là tác động vào kỳ vọng. Nếu thuyết phục được mọi người tin hơn vào tăng trưởng (và đương nhiên là cả một chút lạm phát), Fed có thể khuyến khích giới doanh nghiệp đầu tư thay vì chỉ giữ tiền.

Các chính sách mới mang đậm sự tiến bộ. Khi chính sách thay đổi theo hướng áp dụng một mục tiêu mới cho chính sách tiền tệ, bước đi này sẽ tác động lớn tới kỳ vọng và kích thích kinh tế phục hồi.

Dù vậy mức mục tiêu mới vẫn còn quá thận trọng. Theo đánh giá của chính Fed, tỷ lệ thất nghiệp thông thường trong dài hạn thấp hơn 6,5% nhiều. Nếu lạm phát vẫn thấp và thất nghiệp xuống dưới 6,5%, không có lý do gì để tăng lãi suất.

Dù vậy vấn đề cấp thiết nhất là cam kết chính sách của Fed chưa đủ chắc chắn. Ngay trước phiên họp hồi tháng 12, một số thành viên ủy ban chính sách công khai phản đối động thái nới lỏng tiền tệ, khiến tâm lý lạc quan từ tuyên bố chính sách và buổi họp báo giàu cảm xúc của Chủ tịch FED Ben Bernanke có giảm đi ít nhiều.

Dù vậy, biên bản phiên họp tháng 12 cho thấy những người bỏ phiếu thuận cho chính sách mới vẫn quan ngại về chương trình mua trái phiếu bổ sung.

Không bước đi nào gần đây của Fed là đủ mạnh, nhưng tổng hợp lại, chúng cho một cảm giác nới lỏng tiền tệ quyết liệt và cam kết vững chắc cho phục hồi. Nếu Fed ngừng một trong số các chính sách ấy, công chúng sẽ không rõ bước đi tiếp theo của họ là gì và hiệu ứng tích cực đối với kỳ vọng cũng tiêu tan.

dsdf
Vậy vì sao Fed lại hành động chậm chạp và vì sao một số nhà hoạch định chính sách lại đe dọa đảo ngược các chính sách gần đây?

Trong một nghiên cứu gần đây, tôi và chồng là giáo sư David Romer từ Đại học California, Berkeley đã phát hiện thấy góc nhìn bi quan về tính hiệu quả và chi phí của mở rộng tiền tệ đã góp phần hạn chế đáng kể vai trò của Fed trong vài năm trở lại đây.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại những động thái ấy sẽ không lợi mấy và sẽ gây lạm phát, bóp méo thị trường tài chính và bản thân Fed sẽ lỗ.

Đến nay không thể nói chắc rằng những quan điểm kể trên là sai. Chúng ta đơn giản là không có đủ kinh nghiệm giải quyết những tình huống thế này nên không thể có bằng chứng thuyết phục cho bất kỳ quan điểm nào.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong hai giai đoạn Fed mắc sai lầm lớn, cái quan điểm bi quan kể trên cũng tồn tại. Khi đối mặt với với Đại suy thoái 1930 và tình trạng đình lạm những năm cuối 1970, giới chức Fed tỏ ra thụ động vì họ nghĩ nếu hành động cũng chẳng tác dụng gì.

Các sự kiện sau đó chứng tỏ cả hai quyết định này đều sai.

Những năm 1930, dòng chảy của vàng vào nước Mỹ giúp chính quyền Franklin D. Roosevelt mở rộng tiền tệ mà không cần Fed. Lãi suất thực giảm mạnh, kỳ vọng phục hồi, và đầu tư lẫn tiêu dùng hàng hóa lâu bền đều cất cánh.

Cuối thập niên 1970, chủ tịch mới Paul A. Volcker của Fed kết luận chính sách tiền tệ chắc chắn giảm được lạm phát, và ông đẩy lãi suất lên mức cao lịch sử. Cuộc suy thoái sau đó dù đau đơn nhưng lạm phát hạ nhiệt và vẫn thấp kể từ đó đến nay.

Khi giới chức Fed lại nhóm họp trong tháng này, họ nên xem lại các bài học lịch sử. Ít nhất, những người bi quan nên nhớ chính sách hồi những năm 30 có hậu quả thế nào. Họ giống giới chức Fed thời Đại suy thoái đến mức ngay cả chính họ cũng sẽ bất ngờ.

Chính sách quyết liệt của Fed sẽ rất hữu ích, và không có bằng chứng nào cho thấy cái chi phí mà người ta vẫn sợ hãi thực sự đáng kể. Vì thế thay vì nhấn chìm mọi chính sách mới ban hành, tại sao không cho chúng một cơ hội?

Hơn thế nữa, tại sao không kiên quyết theo đuổi những chính sách ấy?

Thay vì chỉ tiếp tục chương trình mua trái phiếu, có lẽ nên tăng cường độ lên. Thay vì lấy con số 6,5% làm mục tiêu, nên lắng nghe gợi ý của chủ tịch Fed Minneapolis Narayana Kocherlakota rằng tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5,5% rồi hẵng tăng lãi suất.

Và nếu ông Bernanke muốn thực sự quyết liệt, ông nên ủng hộ quan điểm trong một nền kinh tế yếu, không nhất thiết cần một đồng USD mạnh.

Điểm quan trọng nhất là không nên để những nỗi lo sợ vô căn cứ cản đường Fed. Lịch sử đứng về phía tiếp tục nới lỏng, chứ không phải khoanh tay đứng nhìn.

Nguồn CafeF


Sự kiện