Fed khó bỏ QE3 vì cú sốc tài chính từ thị trường mới nổi
Một cú sốc tài chính ở các nền kinh tế mới nổi – những nước vốn nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ có thể khiến nỗ lực ngừng kích thích tiền tệ của Fed trở nên phức tạp hơn.
Một thập kỷ trở lại đây, các nền kinh tế mới nổi đã hút hàng nghìn tỷ USD từ các khoản đầu tư của phương Tây, Trung Quốc thì nổ lên thành đầu tàu kinh tế thế giới và dẫn đến hình thành một “siêu chu kỳ” hàng hóa.
Nhờ mua vào USD, euro, và các tiền tệ khác để ngăn nội tệ tăng giá quá nhanh do nới lỏng tiền tệ của phương Tây, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương các nước mới nổi tăng lên 7,2 nghìn tỷ USD, khoảng 8 nghìn tỷ USD vốn tư nhân chảy vào các thị trường mới nổi kể từ 2004.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, hơn 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu là USD với giá trị 4,4 nghìn tỷ USD, trong đó 3,5 nghìn tỷ USD là trái phiếu chính phủ Mỹ. Riêng Trung Quốc năm 1,6 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ, số còn lại phân bổ ở châu Á, Nga, Trung Đông và Mỹ Latinh.
Nếu nội tệ của các thị trường mới nổi bất ngờ giảm mạnh do bán tháo, thì khối tài sản dự trữ này cần phải bán lại cho các thị trường ổn định hơn. Khi đó, trái phiếu chính phủ Mỹ cũng có nguy cơ bị bán, lợi suất dài hạn tăng, USD tăng và gây ra cú sốc tài chính.
Trở lại những năm 1990, chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan buộc phải 3 lần hạ lãi suất chỉ riêng năm 1998 tuy nhiên không có nhiều tác dụng với kinh tế Mỹ và bong bóng thị trường chứng khoán phố Wall tiếp tục phình to. Liệu người kế nhiệm Ben Bernanke cũng sẽ hành động tương tự hay ít nhất tạm gác lại kế hoạch giảm quy mô nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) để tránh lợi suất tăng mạnh?
Nguồn Reuters/Dân Việt