FDI toàn cầu đang chuyển hướng ra khỏi một số nền kinh tế mới nổi
Tuy vậy, kịch bản tăng trưởng FDI này có thể gặp nhiều rủi ro, như sự yếu kém về cơ cấu trong hệ thống tài chính toàn cầu, khả năng xấu đi của kinh tế vĩ mô và sự không ổn định về chính sách - những yếu tố có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư.
Trong nửa cuối năm nay, kinh tế thế giới chứng kiến sự tháo chạy của dòng vốn khỏi một số nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đẩy các nền kinh tế này đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Ngoài ra, những bất ổn tại Syria, nhu cầu dầu mỏ tăng cao vào mùa đông cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển đang gây áp lực tăng giá dầu thô, nên có thể tác động tới sự dịch chuyển dòng vốn FDI trong quý IV năm nay.
Đánh giá về xu thế dịch chuyển dòng vốn 2013, đại diện Liên minh châu Âu (EU) cho biết, FDI của EU vào châu Á ít thay đổi. Đặc biệt, dòng vốn này vào Malaysia năm 2013 sẽ duy trì tương đương năm 2012. Ông Luc Vandebon, Trưởng phái đoàn EU tại Malaysia cho biết, trong năm 2012, nguồn vốn FDI của EU vào Malaysia dự kiến đạt 3,8 tỷ euro (hơn 4,9 tỷ USD).
Ông Luc Vandebon cho rằng, quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ phục hồi, bởi EU đang có dấu hiệu phát triển tốt lên. Sản xuất thiết bị điện tử và các sản phẩm chế tạo, công nghệ xanh, môi trường và quản lý rừng là những lĩnh vực EU quan tâm.
EU và Malaysia đang đàm phán về Hiệp định Hợp tác đối tác (PCA), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác thương mại tự nguyện về gỗ (FLEGT VPA). Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Malaysia.
Tuy vậy, trên bình diện chung, dòng vốn FDI sẽ dịch chuyển giữa các châu lục và các nền kinh tế. Tại khu vực Đông Nam Á, nếu như năm 2012, 5 nền kinh tế đứng đầu về thu hút FDI lần lượt là Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Indonesia và Malaysia, thì năm nay, FDI có xu hướng dịch chuyển sang một số nước ASEAN, như Campuchia, Myanmar và một số nền kinh tế khác.
UNCTAD cho rằng, nguyên nhân khiến dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc là do một số chỉ số của nền kinh tế này biến động. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, trong tháng 4 năm nay, FDI vào nền kinh tế này chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,7% trong tháng 3.
Mới đây, Ngân hàng Bank of America và JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2013 của Trung Quốc xuống 7,6%, sau khi sản xuất công nghiệp và đầu tư các tháng đầu năm tăng chậm hơn dự báo. Bên cạnh những lo ngại về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn, chi phí nhân công tăng cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc.
Theo UNCTAD, FDI có xu hướng chuyển dịch trong nửa cuối năm nay và đầu năm tới, trong đó, các nước đang phát triển tiếp tục có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn vốn này.
Nguồn Đầu tư