Với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,1% năm 2024, từ mức 5,6% năm 2023, IMF dự báo Campuchia sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
FDI 2024: Châu Á tỏa sáng
Đầu năm 2023, triển vọng FDI châu Á khá ảm đạm. Khi đó, khu vực này còn đang chật vật đối phó lạm phát, sức cầu yếu của các thị trường xuất khẩu, gián đoạn chuỗi cung ứng... Sang năm 2024, các điều kiện kinh tế dần khởi sắc. Năm 2024, Quỹ IMF dự kiến GDP châu Á sẽ tăng trưởng 4,2% và đạt 5% vào năm 2025. Các mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn và các hiệp định thương mại đã và đang tạo ra một môi trường đầu tư, giao thương tự do hơn ở khu vực này.
Đáng chú ý, châu Á đã tỏa sáng trong FDI Standouts Watchlist 2024 của fDi Markets. Đây là bảng xếp hạng thường niên Top 50 điểm đến FDI nhằm điểm danh những quốc gia được dự báo sẽ bước vào năm mới với đà tăng trưởng FDI mạnh mẽ. Có tới 6 nước ở châu Á lọt vào Top 10: Campuchia (xếp hạng 1), Philippines (2), Iraq (4), Kazakhstan (6), Azerbaijan (7) và Ấn Độ (10).
Với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,1% năm 2024, từ mức 5,6% năm 2023, IMF dự báo Campuchia sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Nước này đã tăng cường mối quan hệ hợp tác qua các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc, bên cạnh là thành viên của ASEAN, RCEP và được hưởng ưu đãi thuế quan từ châu Âu. Campuchia còn hưởng lợi từ đà phục hồi của ngành du lịch kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đại dịch từ đầu năm 2023. Nhằm thu hút nhà đầu tư, Chính phủ nước này cũng đã triển khai Luật Đầu tư vào năm 2021, với hàng loạt ưu đãi như miễn thuế thu nhập từ 3-9 năm, miễn một số loại thuế quan...
Kết quả là FDI phục hồi mạnh mẽ. Từ chỗ không nhận được FDI năm 2021, vốn FDI đăng ký mới đã quay trở lại, đạt 2 tỉ USD với hơn 20 dự án trong 9 tháng đầu năm 2023, theo fDi Markets. Trung Quốc chiếm hơn 2/3 vốn FDI đăng ký mới của Campuchia kể từ năm 2021.
IMF dự báo Philippines, đứng thứ 2 trong FDI Standouts Watchlist 2024, sẽ tăng trưởng GDP từ 5,3-5,9% năm 2024. Cả đầu tư công và đầu tư tư nhân đều đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng từ sau chính sách cải cách nhằm tự do hóa đầu tư của tân Thủ tướng Philippines.
Việt Nam cũng là một điểm sáng trong khu vực. “Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút FDI nhờ mức lương thấp, lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo, dân số trẻ, vị trí địa lý gần Trung Quốc cùng sự chuyển dịch sang chuỗi giá trị kinh tế công nghệ cao”, Lawrence Yeo, CEO AsiaBIZ Strategy (Singapore), nhận định.
Tuy nhiên, một số xu hướng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy FDI vào khu vực này. Đáng chú ý, các xu hướng chuyển sản xuất/chuỗi cung ứng về gần nhà hơn hoặc sang khối đồng minh (nhất là sau các cuộc xung đột địa chính trị, buộc các quốc gia phải chọn phe) sẽ càng rõ nét hơn trong năm 2024 và các năm tiếp theo khi giới đầu tư tìm sự an toàn cho các khoản đầu tư của mình.
Đặc biệt là dòng vốn FDI Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ đang đa dạng hóa hoạt động khỏi Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc chỉ chiếm 1,8% các dự án FDI ra nước ngoài của Mỹ so với 5,2% của năm 2019. Xu hướng này đã làm lợi cho các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Việt Nam... Doanh nghiệp Mỹ cũng đang đầu tư nhiều hơn vào các thị trường tăng trưởng như UAE, Ả Rập Saudi... Tỉ trọng Mỹ rót FDI vào UAE đã tăng từ 2,5% năm 2019 lên 5,9% năm 2023. Tỉ trọng này tại Việt Nam chỉ tăng nhẹ từ 0,9% lên 1,1% trong cùng thời gian.
Trong bối cảnh đó, một số nước ASEAN đang gặp tình thế bất lợi. Campuchia, chẳng hạn, lại gặp khó trong việc thu hút dòng vốn ổn định từ Mỹ do tình trạng tham nhũng, thiếu lao động có kỹ năng, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, quy trình phê duyệt không rõ ràng... Campuchia cũng chậm chân trong thu hút FDI từ Ấn Độ. Một nguyên nhân lớn là tính kết nối kém. “Lấy ví dụ, Việt Nam giờ đã có chuyến bay trực tiếp đến thậm chí các thành phố cấp 2 của Ấn Độ, đưa doanh nhân Ấn Độ sang Việt Nam, tạo nền tảng khai phá các cơ hội đầu tư, hợp tác”, nhà điều hành cấp cao khu vực ASEAN của một tập đoàn IT Ấn Độ cho biết.
“Nhiều nhà đầu tư Ấn Độ đang rót vốn vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khắp ASEAN, từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Campuchia không thể mất đi nhà đầu tư Ấn Độ vì Ấn Độ đã nổi lên là một nền kinh tế lớn. Nước này cũng đứng đầu trong lĩnh vực IT, công nghệ sinh học, Fintech và dược”, vị này nói thêm.
Là một phần trong Chính sách Hành động Hướng Đông của nước này, Ấn Độ tỏ rõ ý định đẩy mạnh mối quan hệ đầu tư và kinh tế với các nước ASEAN. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Singapore chiếm tỉ trọng cao nhất trong FDI ra nước ngoài của Ấn Độ với 22,3% vào năm 2022, theo sau là Mỹ (13,6%), Anh (12,8%), Hà Lan (11,7%), UAE (9,6%).