Fast food: Ngược gió phục hồi kinh tế Mỹ
Sự kiện đình công của người lao động trong ngành thức ăn nhanh (fast food) đã chính thức lan rộng đến thành phố thứ 60 trên toàn nước Mỹ vào ngày 29/8 vừa qua.
Thật khó có thể tổng kết chính xác số người đã tham gia cuộc biểu tình. Hàng nghìn người đã xuống đường phản đối trước 1000 cửa hàng thức ăn nhanh để đấu tranh kêu gọi một mức lương 15 USD/giờ, thay vì mức lương tối thiểu của liên bang hiện nay chỉ là 7,25 USD/giờ. Người lao động Mỹ trong ngành hàng cũng đòi hỏi được gia nhập vào tổ chức công đoàn để được bảo đảm quyền lợi.
Lãnh đạo của McDonald’s, Wendy’s và các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh khác đã có mặt tại những nơi xảy ra đình công vào hôm qua 30/8 để khẳng định rằng, làn sóng phản đối đang diễn ra sẽ ít tác động đến hoạt động của các cửa hàng.
Tuy nhiên điều quan trọng là làn sóng phản đối không phải bây giờ mới bùng phát, mà nhen nhóm từ hàng loạt những cuộc biểu tình từ 8 tháng trước, bắt đầu từ Manhattan sau đó lan đến Chicago, Washington và một loạt các thành phố khác như St.Louis, Kansas, Detroit, Flint, Mich,… Và ngọn cờ phản đối có cơ hội phất cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi khá mạnh mẽ.
Sau khủng hoảng, những người lao động trong ngành dịch vụ mà đi đầu là ngành thức ăn nhanh, tìm được công việc mới và góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ, do bộ phận lao động trên chiếm đến 7,4% dân số Mỹ. Trong vòng 2 năm qua tại Mỹ, ngành dịch vụ (nhà hàng, khách sạn,…) là nơi đã tạo ra 1,7 triệu việc làm, tương đương 43% tổng số việc làm mới. Vấn đề đáng nói là để có được thành tích kể trên, người lao động Mỹ đã phải trả những cái giá không hề rẻ.
Những nhà quản lý nhà hàng thức ăn nhanh muốn mọi người tin rằng, lao động chủ yếu là thanh niên, nhưng thực tế không phải vậy. Latisha James, một ủy viên hội đồng của thành phố New York chịu trách nhiệm về các vấn đề gia đình, cũng tham gia vào cuộc biểu tình hôm 29/8 tại Manhattan cho biết: “Đây chủ yếu là những phụ nữ đã có con đang đấu tranh để kiếm sống. Đây là vấn đề công bằng kinh tế".
Theo số liệu của các bang trên toàn nước Mỹ, mức lương trung bình của những người lao động trong nhà hàng thức ăn nhanh rơi vào khoảng 8,74 USD/giờ, thấp hơn mức lương trung bình của một người làm công bình thường. Dự án luật người lao động quốc gia (NELP), một tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động nghèo đã lên tiếng khẳng định: “Tính theo ngang giá sức mua, mức lương tối thiểu 7,25 USD/giờ hiện nay thấp hơn 30% so với năm 1968”.
Tình hình này còn tác động tới quyết định mới đưa ra của Hiệp hội nhà hàng quốc gia Mỹ (NRA). Theo đó, hiệp hội này sẽ tiến tới việc dừng tăng lương trong 27/29 tiểu bang của Mỹ có ý định đòi hỏi nâng mức lương tối thiểu. Chưa hết, NRA còn phản đối việc cấp thêm ngày nghỉ ốm cho người lao động trong 12 tiểu bang. Lý lẽ được đưa ra luôn là việc tăng lương và những phụ cấp khác đồng nghĩa với phải cắt giảm việc làm.
Về phần mình, NELP nhấn mạnh rằng, trong quá trình hồi phục kinh tế hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, những việc làm lương thấp đã tăng nhanh gấp 2,7 lần so với những công việc tầm trung và những công việc được trả lương cao.
Do đó, cuộc biểu tình gần đây tại Mỹ chính là minh chứng cho một sự bóc lột tăng lên từ lâu. Sự việc này còn phản ánh rằng "người dân rất nhạy cảm với bất công trong lao động", Arne Kalleberg, giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Bắc Carolina cho biết trong khi cuộc phỏng vấn được New York Times thực hiện.
Người phát ngôn của hãng Wendy’s khi trả lời Wall Street Journal cũng đáp lại rằng, “chúng tôi thật sự tự hào khi đem lại cho người lao động những điều kiện học tập và đào tạo tốt từ khi họ mới bước chân vào nghề”.
Cuối cùng, dường như chính phủ cũng không muốn ở ngoài cuộc. Bộ trưởng Lao động Mỹ, ông Thomas E.Perez đã tuyên bố rằng, những cuộc biểu tình này minh chứng cho một điều hiển nhiên: lương phải tăng.
Nhưng tăng bao nhiêu? Tổng thống Barack Obama đã phát biểu rằng, tốt hơn nếu người lao động được hưởng mức lương tối thiểu là 9 USD/giờ. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa lo ngại hậu quả khó tránh khỏi sau việc tăng lương sẽ là cắt giảm việc làm.
Nguồn Dân Việt/NYT