FAO: Ebola đe dọa an ninh lương thực tại Tây Phi
FAO đã đưa ra cảnh báo đặc biệt đối với Liberia, Sierra Leone và Guinea, 3 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Dịch Ebola đã lan sang nước thứ 5 hồi tháng qua với việc một người Guinea xét nghiệm dương tính với virus tại Senegal. Đến nay, dịch Ebola đã khiến 3.069 mắc bệnh và 1.552 người thiệt mạng kể từ khi virut Ebola được phát hiện tại vùng rừng nhiệt đới ở phía đông nam Guinea hồi tháng 3, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật tuần trước.
Việc hạn chế đi lại của người dân và thiết lập các vùng kiểm dịch nhằm kiềm chế sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết đã gây ra tình trạng tranh mua, thiếu lương thực và giá tăng tốc tại các nước ít được chuẩn bị để chống lại cú sốc này.
Vincent Martin, phụ trách FAO tại Dakar, cho biết, thậm chí trước khi đại dịch Ebola bùng phát, các hộ gia đình tại một số vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã chi đến 80% thu nhập của họ để mua lương thực, thực phẩm.
Hoạt động sản xuất gạo và ngô sẽ giảm trong mùa vụ chính sắp tới khi việc hạn chế di cư và di chuyển sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động tại các trang trại, FAO cho biết. Nhiều khu vực ở Sierra Leone và Liberia – chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Ebola – là những vùng sản xuất lương thực chính và sản lượng lương thực được dự đoán sẽ giảm đáng kể.
Các loại cây trồng mang lại thu nhập như cọ dầu, cacao và cao su sẽ bi ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm sức mua của nhiều gia đình vốn bị mất thu nhập và nguồn dinh dưỡng do lệnh cấm đối với thịt thú rừng.
Việc đóng cửa biên giới và cắt giảm hoạt động thương mại tại các cảng biển đã khiến nguồn cung lương thực thắt chặt tại 3 nước nêu trên – vốn là những nước nhập khẩu ròng ngũ cốc – và đẩy giá lương thực thực phẩm tăng cao và cao hơn nữa do chi phí vận chuyển tăng.
Chương trình Lương thực Thế giới Liên hợp quốc và FAO đã thông qua chương trình khẩn cấp cung cấp 65.000 tấn lương thực cho 1,3 triệu người bị ảnh hưởng của đại dịch Ebola trong thời gian 3 tháng.
FAO cho biết, giá sắn tại một khu chợ ở Monrovia, thủ đổ Liberia đã tăng 150% trong những tuần đầu của tháng 8. Bên cạnh đó, tình trạng mất giá của đồng nội tệ Sierra Leone và Liberia cũng có thể khiến giá lương thực tăng cao hơn nữa.