FAO cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực gia tăng
Ngày 11/12, Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo những tác động tiêu cực của dịch Ebola và xung đột liên miên tại nhiều quốc gia đang khiến tình hình an ninh lương thực toàn cầu xấu đi, bất chấp sản lượng ngũ cốc dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay.
Trong báo cáo của FAO, năm 2014 được kỳ vọng là năm đỉnh điểm về ngũ cốc với sản lượng ước tính đạt mức kỷ lục trên 2,5 tỷ tấn nhờ sản lượng ngô tăng vọt tại Mỹ và vụ mùa bội thu tại châu Âu. Mùa màng bội thu cũng kéo theo sản lượng dự trữ lương thực đạt mức cao nhất kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra an ninh lương thực ở nhiều quốc gia đang diễn biến ngày càng xấu. Các yếu tố thời tiết khắc nghiệt, xung đột và sự bùng phát dịch Ebola đúng thời điểm gieo trồng ở các quốc gia Tây Phi như Guinea, Liberia và Sierra Leone được coi là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý này.
Điển hình như ở Syria, tình trạng mất an ninh lương thực đang đe dọa 6,8 triệu người khi vụ mùa bị gián đoạn liên tục do tình trạng xung đột và bất ổn. Sản lượng năm 2014 giảm đáng kể do đất đai bị chiếm giữ, khan hiếm lực lượng lao động, trạm điện và hệ thống thủy lợi bị tàn phá cộng với tình trạng hạn hán.
Trong khi đó, sản lượng vụ mùa tại Senegal trong năm nay có thể sẽ giảm 38% do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Tình hình cũng rất đáng quan ngại tại Iraq, nơi có số người phải tị nạn vì bất ổn tăng gấp 3 lần kể từ năm ngoái, lên 2,8 triệu người.
Trong tổng số 38 quốc gia trong danh sách có nguy cơ mất an ninh lương thực thì có tới 29 nước châu Phi. Theo FAO, 1/3 dân số của Cộng hòa Trung Phi cần được viện trợ lương thực khẩn cấp.
Tình trạng bạo lực cũng gia tăng ở quốc gia này kể từ tháng 10, khiến cho 1/4 số hộ dân ở đây phải bán tài sản sản xuất và giết gia súc để đối phó với thiếu thốn trong bối cảnh giá lương thực tăng tới 70%.
Ở một số quốc gia như Nam Sudan, Sudan và Somalia, dù sản lượng trồng trọt có cải thiện và nhận được viện trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế, nhưng vẫn có tới 6 triệu người cần hỗ trợ lương thực và các điều kiện sống tối thiểu.
Nguồn Vietnam+