Fantasia Holdings đang là "quả bom nợ" thứ hai sau Evergrande, mở rộng mối lo ngại của nhà đầu tư với thị trường tài chính - bất động sản Trung Quốc. Ảnh: The Times.

 
Phùng Mỹ Thứ Năm | 07/10/2021 10:53

Fantasia Holdings: Bom nợ thứ hai của Trung Quốc

Sau Evergrande, Fantasia là nhà phát triển bất động sản mới, có thể vợ nỡ khi không thể thanh toán 315 triệu USD nợ đến hạn tuần này.

Thêm một Evergrande

Theo CNN, nhà phát triển căn hộ cao cấp của Trung Quốc vừa bỏ lỡ khoản thanh toán 315 triệu USD cho người cho vay vào ngày 4/10, làm dấy lên lo ngại rằng các căng thẳng tài chính trong lĩnh vực bất động sản của nước này đang lan rộng ra khi Tập đoàn Evergrande gặp khó khăn.

Fantasia Holdings, có trụ sở tại Thâm Quyến, đã bỏ lỡ việc hoàn trả số trái phiếu trị giá 205,7 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm hôm 4/10. Doanh nghiệp này hiện đang đánh giá "tác động tiềm tàng đối với điều kiện tài chính và vị thế tiền mặt của tập đoàn”.

Đơn vị quản lý bất động sản của Country Garden, nhà phát triển lớn thứ hai Trung Quốc về doanh số sau Evergrande, còn cho biết Fantasia đã không trả được khoản vay khoảng 700 triệu Nhân dân tệ (109 triệu USD). Công ty có thể sẽ "không trả được nợ bên ngoài", Country Garden Services cho biết thêm.

Lĩnh vực bất động sản rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 30% GDP. Ảnh: The Nation of News.
Lĩnh vực bất động sản rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 30% GDP. Ảnh: The Nation of News.

Fitch Ratings, S&P Global Ratings và Moody's Investors Services đều cắt giảm xếp hạng cho Fantasia vào cuối ngày 5/10 để chỉ ra rằng, công ty "có khả năng hoặc rất gần với sự vỡ nợ".

Nhà phân tích cấp cao Celine Yang tại Moody's giải thích: "Việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm sau thông báo của Fantasia khi họ đã bỏ lỡ khoản thanh toán cho trái phiếu trị giá 205,7 triệu USD phản ánh đánh giá của chúng tôi về triển vọng phục hồi yếu đối với các trái chủ của Fantasia sau khi vỡ nợ". 

Cổ phiếu của Fantasia đã bị đình chỉ vào ngày 5/10 nhưng cổ phiếu của Country Garden Services đã giảm 3,2% tại Hồng Kông, Country Garden Holdings mất 2,8%. 

Tuy nhiên, tác động của Fantasia sẽ nhỏ hơn so với Evergrande, một bom nợ khởi xướng mối nguy vỡ nợ hàng trăm tỉ USD tại Trung Quốc trong vài tuần qua. Evergrande là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ 300 tỉ USD, trong khi Fantasia có tổng nợ 82,9 tỉ Nhân dân tệ (12,8 tỷ USD).

Chuỗi phản ứng từ Evergrande

Cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande đã leo thang trong những ngày gần đây. Công ty đã cảnh báo các nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng dòng tiền vào tháng 9, họ có thể vỡ nợ nếu không thể huy động tiền nhanh chóng. Trong vài tuần gần nhất, Tập đoàn này đã bỏ lỡ ít nhất hai lần thanh toán lãi suất trái phiếu.

Nhà đầu tư lo ngại phản ứng domino từ khủng hoảng của Evergrande. Ảnh: TL.
Nhà đầu tư lo ngại phản ứng domino từ khủng hoảng của Evergrande. Ảnh: TL.

Người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á Louis Kuijs tại Oxford Economics cho biết: “Mặc dù các vấn đề của Evergrande không có khả năng gây ra khoảnh khắc Lehman Brothers, nhưng chúng sẽ làm trầm trọng thêm sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đang diễn ra”.

“Với dấu ấn tổng thể lớn của lĩnh vực bất động sản nhà ở thông qua 'liên kết ngược' với các lĩnh vực như thép, sự suy giảm của Evergrande sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế nói chung”, ông nói.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc dường như vẫn giữ vững lập trường khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ người mua nhà.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trở thành tâm điểm bàn luận và lo lắng của các nhà đầu tư kể từ khi vấn đề nợ của Evergrande nổi lên.

Ngoài Evergrande và Fantasia, Guangzhou R&F là một nhà phát triển bất động sản khác cũng nằm trong tầm ngắm bàn luận và lo lắng này. Tháng trước, Guangzhou R&F cho biết họ đã huy động được 2,5 tỷ USD bằng cách vay từ các cổ đông lớn và bán một công ty con.

Trong khi đó, một "đại gia" khác của Trung Quốc Sinic Holdingscũng vấp phải tình huống bị hạ xếp hạng tín nhiệm với những rắc rối về tài chính khi không trả nổi các khoản lãi.

“Chúng tôi hạ xếp hạng vì chúng tôi tin rằng Sinic đã gặp phải vấn đề thanh khoản nghiêm trọng và khả năng trả nợ của họ gần như đã cạn kiệt,” S&P lý giải.

Những người theo dõi ngành bất động sản, tài chính Trung Quốc nhìn chung đang rất lo ngại về sự thất thoát và khả năng lây lan từ cuộc khủng hoảng Evergrande ảnh hưởng đến tăng trưởng của quốc gia hơn tỉ dân. Theo ước tính của các nhà phân tích, lĩnh vực bất động sản chiếm tới 15% tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc. Nhiều quỹ trái phiếu có lợi suất cao ở châu Á cũng bị chi phối bởi các nhà phát triển bất động sản nước này.

Có thể bạn quan tâm:

Tài chính toàn cầu chao đảo do lo ngại “quả bom nợ” Evergrande