Giá bất động sản liên tục tăng chính là chiếc phao cứu sinh cho Tập đoàn này suốt 9 năm qua. Ảnh: TL.

 
Hải Băng Thứ Năm | 23/09/2021 17:09

Evergrande và 'bom nợ' chực chờ phát nổ?

Vốn là Tập đoàn lớn thứ 2 tại Trung Quốc trong lĩnh vực Bất động sản, giờ đây Evergrande đang trải qua thời kỳ đen tối nhất.

Tháng 9 vừa qua, Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm của Evergrande xuống CC, đồng nghĩa với việc chỉ còn 2 bậc nhỏ nữa là công ty này phải đối diện với nguy cơ phá sản với con số lên đến 300 tỉ USD. Ngay lập tức từ khóa về Evergrande trở thành điểm nóng và nhiều câu hỏi được đặt ra.

Liệu Evergrande có trở thành Lehman Brothers thứ 2? Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của công ty đang bắt đầu lao dốc. Câu chuyện của Evergrande bắt nguồn từ đâu?

Thị trường Bất động sản ảnh hưởng như thế nào đến Evergrande?

Giá bất động sản liên tục tăng chính là chiếc phao cứu sinh cho Tập đoàn này suốt 9 năm qua. Cụ thể, tháng 6/2012, Citron Research, một Short Seller nổi tiếng, đã cáo buộc Evergrand Group gian lận BCTC, nâng khống số dư tiền và giá trị bất động sản nhằm mục đích che dấu tình trạng thanh khoản tồi tệ, giá cổ phiếu hôm đó giảm 20%. Nhưng sau đó, giá BĐS tại Trung Quốc tiếp tục tăng, sự kiện này bị lãng quên.

Vì thế, khi giá Bất động sản vẫn còn tăng liên tục thì giá trị thế chấp vay vốn vẫn còn được đảm bảo. Từ 2020, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng chính sách 3 Lằn ranh đỏ (The Three Red Lines) đối với các công ty Bất động sản nhằm hạ nhiệt, giảm giá Bất động sản ở quốc gia này. Câu chuyện giá Bất động sản sụt giảm ở Trung Quốc hơn 20% trong vòng 1 năm qua, Evergrande là một trong những công ty Bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc sụt giảm giá Bất động sản tại Trung Quốc.

Đứng trước nhiều ý kiến tò mò về tình trạng của mình, Evergrande thông báo sẽ hoàn trả lãi vay cho các trái phiếu nội địa sẽ đáo hạn vào hôm nay, ngày 23/9. Tuy nhiên tập đoàn không nêu cụ thể số tiền là bao nhiêu và khi nào sẽ thanh toán mà chỉ nói rằng "một trong những khoản nợ trái phiếu nội tệ đã được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp, không thông qua trung tâm bù trừ".

Ảnh: TL.

Có thể Evergrande đã đạt được thỏa thuận hoãn trả lãi với các chủ nợ để không bị gắn mác vỡ nợ. Ảnh: TL.

Thông báo mơ hồ này khiến một số chuyên gia phân tích đoán rằng có thể Evergrande đã đạt được thỏa thuận hoãn trả lãi với các chủ nợ để không bị gắn mác vỡ nợ. Theo số liệu từ Bloomberg, số tiền lãi mà Evergrande phải phải thanh toán vào hôm nay là 232 triệu nhân dân tệ.

Bất chấp nguy cơ vỡ nợ của Evergrande tăng mạnh, trong mấy tháng gần đây, một số quỹ đã tăng mua vào trái phiếu Evergrande. BlackRock, các ngân hàng đầu tư  HSBC và UBS là những bên mua nhiều nhất, theo dữ liệu Morningstar. Các trái chủ khác bao gồm UBS Asset Management và Amundi, quỹ lớn nhất châu Âu. 

Tuy nhiên kể từ ngày 17/9, trái phiếu onshore của Evergrande chỉ còn có thanh khoản trong các giao dịch thỏa thuận, và dữ liệu từ Refinitiv cho thấy trong ngày hôm nay không có giao dịch nào được thực hiện. Trong khi đó trái phiếu niêm yết bằng USD giao dịch èo uột. Sàn Hồng Kông, nơi cổ phiếu Evergrande niêm yết, đang đóng cửa nghỉ lễ. Còn cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Frankfurt tăng giá 20%. 

Ảnh hưởng gì đến thị trường Việt Nam?

Evergrande, doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc, đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Nhiều nhà đầu tư cũng run tay bán cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam nếu có thì chỉ là các nhà cung ứng vật liệu cho các công trình của Evergrande, còn diễn biến bán tháo nhiều cổ phiếu bất động sản trong nước chỉ là động thái tâm lý hoảng sợ ngắn hạn.

Vụ việc Evergrande vẫn là lời cảnh báo để các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhìn nhận lại khả năng trả nợ của mình khi phát hành trái phiếu ồ ạt trên thị trường hiện nay. Hiện phát hành trái phiếu vẫn là cuộc đua song mã của ngân hàng và bất động sản. 8 tháng đầu năm, nhóm bất động sản có tổng khối lượng phát hành 107,98 nghìn tỉ đồng, cao thứ 2 thị trường. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Ảnh: TL.
Evergrande hiện nợ hơn 300 tỉ USD. Tất cả đối tác từng làm ăn với công ty, bao gồm các nhà máy thép, công ty nội thất, ngân hàng, khách hàng và trái chủ, đều rơi vào tình thế khó khăn. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu, nhưng lại đi phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, đồng nghĩa giá trị cổ phiếu bị pha loãng và tài sản đảm bảo cho trái phiếu cũng "bay hơi". Trái chủ là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhiều khi lại là nhà đầu tư không chuyện nghiệp, được công ty chứng khoán làm thủ thuật "gắn mác".

Thực tế, hiện quy mô của các khoản đầu tư ngoài ngành của Evergrande quá nhỏ so với mảng bất động sản. Và các mảng như xe điện đã niêm yết và hoạt động độc lập. Chỉ tập trung vào doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, EPS với P/E tăng thôi thì không bao giờ là đủ. Dòng tiền và thanh khoản mới đảm bảo công ty tăng trưởng bền vững. Trong giai đoạn Thị trường chứng khoán Việt Nam đang nóng về dòng tiền, việc đẩy doanh thu – lợi nhuận lên để hút vốn từ Thị trường chứng khoán là bình thường, nhưng cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh tương lai bị ảnh hưởng.

Môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho ngành bất động sản