Thứ Bảy | 09/06/2012 12:13

Eurozone tan rã đã được báo hiệu từ những năm 1990

Những tương đồng giữa khu vực đồng euro và khu vực đồng rúp trong quá khứ khiến các nhà sử học lo ngạii: Liệu đồng euro có biến mất như đồng rúp?
Khu vực đồng rúp là liên minh tiền tệ của 15 quốc gia Liên xô cũ được thành lập vào năm 1992. Hai năm sau, khi thâm hụt ngân sách vượt ngoài vòng kiểm soát, lạm phát phi mã và nền kinh tế co hẹp khiến liên minh tiền tệ này tan rã. Hiện chỉ còn sót lại hai thành viên thuộc khu vực đồng rúp.

Các nhà sử học cho rằng nguyên nhân sụp đổ của khu vực đồng rúp là do nội bộ tồn tại nhiều bất đồng cơ bản về tốc độ cải cách kinh tế, đồng thời cũng cần phải cải cách triệt dể đối với phương thức hoạt động kinh tế, nên đã làm giảm bớt lý do bảo vệ đồng tiền chung.

Trong khi đó tại châu Âu, trong bối cảnh các chính trị gia Hy Lạp đe dọa phá vỡ các điều khoản cứu trợ tài chính với các chủ nợ quốc tế, Tây Ban Nha cầu cứu viện trợ, các quốc gia Bắc Âu từ chối chi tiền cho miền Nam, các nhà sử học tự hỏi: Liệu khu vực đồng euro (eurozone) có chịu chung số phận với khu vực đồng rúp?

Các nhà sử học có cái nhìn xa hơn về cuộc khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) so với các nhà kinh tế, và viễn cảnh đó vô cùng ảm đạm.Giáo sư sử học tại Đại học Princeton, Harold James nhận định: "Bài học từ Liên xô chỉ ra rằng một sự kết thúc như vậy thực sự là một thảm họa và dẫn đến mất mát thu nhập cũng như lạm phát và mọi người có quyền lo sợ hãi kết cục đó." Tuy nhiên, ông James cũng cho biết tình hình hiện tại của eurozone không giống với những gì đã diễn ra những năm 1990, khi cả 15 nước khu vực đồng rúp đều gặp những khó khăn nghiêm trọng.

Trong khi vẫn có sự khác biệt giữa Liên xô và các nước EU, song vẫn có những điểm tương đồng có thể chứng minh sự hữu ích trong việc đánh giá khủng hoảng nợ. Cả hai liên minh tiền tệ đều là những tổ chức được xây dựng để phản ứng với những tổn thương chung. Bên cạnh đó, ở cả hai trường hợp, thế hệ thành lập liên minh đều đã ra đi khi khủng hoảng nổ ra và nguy cơ tan rã dần hiện ra.

Chủ tịch Trung tâm Chiến lược tự do tại Sofia, Ivan Krastev cho biết: "Cả Liên xô và Liên minh châu Âu (EU) đều mất đi thế hệ thực sự nhớ được mục đích cao nhất của thành lập liên minh, đó là trải nghiệm về cái chung. Liên xô được thành lập sau Thế chiến I, còn EU sau Thế chiến II. Trong khi đó, Liên xô sử dụng một ngôn ngữ chung."

Giám đốc Trung tâm lịch sử quốc tế tại Đại học Columbia Mark Mazower cho rằng việc Hy Lạp rời khu vực đồng euro có thể là một đòn giáng mạnh vào lý do tồn tại của EU được quy định trong Hiệp ước Rome năm 1957, trong đó viết :"Sự ra đời của EU là nhằm đặt nền móng cho một liên minh gần gũi hơn."

"EU được thúc đẩy bởi tư tưởng của tầng lớp thượng lưu. Khi một số tư tưởng hướng về tương lai đi ngược lại tư tưởng ban đầu vì một lý do nào đó, khó khăn sẽ nổ ra. Sự mất mát niềm tin vào hệ tư tưởng đã tàn phá Liên xô."

Sự sụp đổ của khu vực đồng rúp theo nhà sử học Stephen Kotkin đã đặt dấu chấm hết cho Liên xô.

Tháng 6/1990, nước Nga, dẫn đầu bởi Boris Yeltsin, tuyên bố ly khai khỏi Liên xô. Tiếp theo đó là Ukraine, Belarus và Moldova. Đó là bước cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ của liên minh 286 triệu dân. Trong khi đó, dân số hiện tại của eurozone là 331 triệu dân.

Bài học dành cho EU là họ phải theo dõi chặt chẽ những việc Đức đang làm và phải cảnh giác trước những lời kêu gọi về một eurozone "nhỏ gọn hơn", hay "một châu Âu hai tốc độ", ông Ivan Krastev, chủ tịch của Trung tâm Chiến lược Tự do ở Sofia, nói. Liên minh không tan vỡ bởi những vấn đề ngoại vi, mà nó sụp đổ từ chính bên trong, ông Krastev nói.

Nhà sử học Eric Hobsbawm nhận định: " Không gì tồn tại mãi. Dự án thành lập liên minh châu Âu đã biến châu Âu thành một nhà nước liên bang. Và tôi tin mô hình đó không hiệu quả. Về bản chất, châu Âu không có được một cơ sở cho sự thống nhất. Hy Lạp là một trường hợp điển hình cho thấy điểm yếu tiềm năng trong hệ thống của EU."

Giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Carolina Patrick Conway cho biết: "Sự sụp đổ của khu vực đồng rúp có ý nghĩa rất quan trọng với Tây Âu. Liên minh tiền tệ đòi hỏi phải có sự phối hợp tài chính và hạn chế tài chính."

Thủ tướng Đức Angela Merkel liên tục nhấn mạnh rằng đồng euro là chất keo kết dính châu Âu lại với nhau. "Euro mất, châu Âu cũng tan rã theo," bà Merkel khẳng định trong bài phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là một loại tiền tệ chung đòi hỏi một chất keo riêng, vượt xa những lợi ích kinh tế chung, ông Krastev nói. "Đó là sự tin tưởng. Điều một đồng tiền chung cần có là cảm giác về quyền công dân chung và sở hữu chung," ông khẳng định.

Nguồn Bloomberg/DVT


Sự kiện