Chủ Nhật | 02/02/2014 12:23

Eurozone năm 2014: Vẫn trong thời kì "vay mượn để tồn tại"

Bất chấp tỉ lệ nợ công/GDP giảm lần đầu tiên sau 7 năm, Eurozone vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời kì vẫn cần vay mượn để tồn tại.
Hơn 1 tuần trước, các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đón nhận tin tốt khi tỉ lệ nợ công ghi nhận lần giảm đầu tiên kể từ năm 2007.

Cụ thể, số liệu được công bố ngày 22/1/2014 bởi Cơ quan Thống kê thuộc Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong quý III/2013 tỉ lệ nợ công tại khu vực Eurozone đã giảm xuống còn 92,7% GDP từ 93,4% trong quý trước đó.

Gafin_Stats


Tại một số quốc gia, việc giảm tỉ lệ nợ công xuất phát từ một số "thủ thuật" trong quá trình giải quyết khó khăn ngân sách. Tiêu biểu là trường hợp tại Bỉ, quyết định bán lại vốn thuộc sở hữu nhà nước tại Ngân hàng Fortis đã cho phép chính phủ nước này có thêm nguồn lực để cải thiện nền tài chính công.

Tuy nhiên, trong phần lớn các quốc gia khác, thành tích trên đến từ 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên, phải kể đến những biện pháp thắt lưng buộc bụng được các chính phủ thống nhất và tuân thủ thực hiện. Sau nhiều năm, Bồ Đào Nha và Ireland là hai trường hợp cải cách tiêu biểu đã bắt đầu ghi nhận những tiến bộ đáng kể đầu tiên.

Thứ hai, lãi suất vay mượn giảm cũng là yếu tố hỗ trợ cho quá trình giảm nợ. Kể từ khi ông Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra lời hứa sẽ làm "tất cả những gì cần thiết" để các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu tránh khỏi sự sụp đổ, lãi suất trái phiếu chính phủ của khu vực Eurozone đã giảm mạnh. Lãi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã giảm xuống còn 3,69%, của Italia giảm còn 3,83%, của Bồ Đào Nha giảm còn 5,06% và của Ireland là 3,26%. Trong khi mức lãi suất trung bình của các quốc gia này vào thời điểm khủng hoảng lên tới 6,5%.

Nhưng trên hết, sự quay trở lại mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế không những làm giảm tỉ lệ nợ công về mặt thống kê, mà còn củng cố cho khả năng trả nợ của các quốc gia khu vực Eurozone.

Bất chấp tỉ lệ nợ công giảm, châu Âu vẫn chưa thể lạc quan để khẳng định rằng khủng hoảng nợ công đã kết thúc, bởi lẽ tổng số nợ vẫn đang còn quá lớn. Hay chí ít, vẫn còn hơi sớm để khẳng định điều đó.

Không chỉ vậy, vấn đề còn nằm ở chỗ: lạm phát càng giảm, lãi suất thực khi các chính phủ đi vay mượn sẽ càng cao và gây cản trở cho quá trình giảm nợ. Nguy hiểm hơn khi thiểu phát biến thành giảm phát, mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng đạt được trong năm ngoái sẽ trở nên vô nghĩa. Đi kèm dự báo tăng trưởng kinh tế yếu (khoảng 1%) trong năm 2014 của khu vực Eurozone , giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cũng không quên nhấn mạnh: giảm phát là nguy cơ lớn nhất đè nặng lên tăng trưởng của khối nền kinh tế đã "ngụp lặn" trong khủng hoảng và suy thoái suốt 5 năm qua.

Thực tế, tỉ lệ lạm phát trong tháng 12 của Eurozone đã giảm xuống còn 0,8%, chưa bằng một nửa so với mức mục tiêu 2% do ECB đề ra. Đặc biệt, đã có một vài quốc gia mà tiêu biểu là Hy Lạp, đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi tỉ lệ lạm phát đã giảm xuống -2,9% trong tháng 11 và -1,7% trong tháng 12.

Tóm lại, sau khi đón nhận tin tốt về tỉ lệ nợ công, các quốc gia Eurozone cũng không thể quên mất rằng, họ đang sống trong thời kì phải vay mượn để tồn tại. Nhất là khi còn nhiều vấn đề mà nền kinh tế đang phải đối mặt và thực sự con số 92,7% GDP vẫn còn quá cao so với mức tiêu chuẩn của tỉ lệ nợ công (không được phép vượt quá 60% GDP) đối với bất kì quốc gia nào muốn gia nhập Eurozone.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện