Eurozone đang tan rã nhanh hơn khả năng ứng phó của EU
Đề nghị này cũng là bước đầu tiên hướng tới xây dựng một liên minh ngân hàng cho châu Âu, có chức năng như một quỹ bảo hiểm tiền gửi và giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng eurozone, nhằm ngăn chặn những hậu quả kéo theo khi các ngân hàng này sụp đổ hoặc tan rã.
Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý rằng quỹ cứu trợ tài chính lâu dài của eurozone, hay còn gọi là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro, có thể bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng dưới những điều kiện nghiêm ngặt một khi cơ chế giám sát được thiết lập.
Tất cả những quyết định trên đều khiến nhiều người hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho eurozone. Tuy nhiên, vấn đề là hệ thống giám sát này chỉ thực sự có hiệu lực trong năm tới và thời điểm đó có thể là quá trễ với eurozone.
Làn sóng rút tiền gửi từ các ngân hàng Tây Ban Nha đang tăng mạnh. Trong khi đó, gói giải cứu trị giá 100 tỷ euro mà các nhà lãnh đạo châu Âu dành cho Mandrid lại không chắc có thể ngăn chặn làn sóng này, khi các nhà đầu tư lo ngại Tây Ban Nha có thể phải cầu cứu tới gói cứu trợ toàn diện.
Nhiều ngân hàng đang tái tổ chức hoặc bị buộc phải tổ chức lại, điều này càng làm sâu sắc thêm sự phân biệt giữa các nước phía Nam và phía Bắc trong khối tiền tệ. Một bức tường tài chính vô hình, có khả năng nguy hiểm không kém Bức tường Sắt từng chia đôi Đông Âu và Tây Âu, đang từ từ mọc lên bên trong khu vực eurozone.
Khoảng cách lãi suất giữa các quốc gia chủ nợ Bắc Âu như Đức và Hà Lan, những nước có lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục, và các con nợ ở miền Nam như Tây Ban Nha, Italia, nơi có lãi suất trái phiếu cao hơn trung bình của eurozone, đe dọa tạo nên một sự khác biệt lâu dài trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Kể từ khi hoạt động đánh giá tín nhiệm chính phủ và lợi suất trái phiếu góp phần tạo nên sàn tiêu chuẩn cho chi phí đi vay của các ngân hàng và doanh nghiệp, các ngân hàng hoặc công ty được quản lý tốt nhất của Tây Ban Nha hoặc Italia phải trả nhiều nợ hơn những đồng nghiệp yếu kém nhất của họ ở Đức hoặc Hà Lan.
Các nhà phân tích nhận định, tình trạng phân biệt Bắc-Nam này còn kéo dài, cơ hội phục hồi của các nước Nam Âu càng mong manh và khoảng cách giàu nghèo giữa hai miền châu Âu càng sâu sắc hơn.
Chủ tịch ECB, Mario Draghi, trong buổi công bố cắt giảm lãi suất - cũng phải thừa nhận rằng sự mất kết nối giữa hai miền Bắc-Nam eurozone chính là cản trở lớn nhất với chính sách tiền tệ thống nhất.
Nguồn Reuters/DVT