Euro giảm giá mạnh có thể cứu được eurozone
Lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha vượt 7%, cho thấy sự kém hiệu quả trong giảm thâm hụt ngân sách của Mandrid cũng như của các chính quyền các địa phương. Hy Lạp có thể không đạt được những mục tiêu do nhóm Tam hùng đề ra, khiến nguy cơ phải rời eurozone của Athens càng rõ hơn. Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - cũng bị đè nặng bởi áp lực tài chính khi ngân hàng Bundesbank tiếp xúc quá nhiều với các nước ngoại vi châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Âu vừa qua kết thúc với một thông cáo đầy lạc quan, song không thực sự mang lại điều gì cụ thể. Trong khi đó, các thị trường tài chính cần có một giải pháp từ các nhà hoạch định chính sách Brussels. Sau tất cả, sự suy giảm trong giá trị của đồng euro lại trở thành vị cứu tinh cho eurozone.
Trong năm qua, đồng euro đã giảm 15% so với đồng USD (từ 1,44 USD xuống dưới 1,21 USD). Nếu tiếp tục giảm thêm 15%, nó sẽ gần ngang bằng với đồng USD, song vẫn cao hơn khoảng 20% so với mức thấp kỷ lục 80 cent trong lịch sử.
Đồng euro có giá trị thấp sẽ giúp giảm giá xuất khẩu, đồng thời tăng giá trị nhập khẩu. Thâm hụt ngân sách hiện tại của các nước ngoại vi châu Âu cũng nhờ đó giảm hoặc bị xóa bỏ hoàn toàn, do một nửa kim ngạch xuất khẩu của những quốc gia này là bên ngoài châu Âu. Euro thấp cũng giúp đẩy mạnh xuất khẩu của Đức, tăng tiền lương cũng như giá cả trong nước, qua đó phá vỡ sự mất cân bằng trong cán cân thương mại châu Âu.
Sự gia tăng trong xuất khẩu của các nước ngoại vị cũng giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ được cải thiện, đảo ngược suy thoái gây ra bởi các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu.
Bên cạnh đó, sự suy giảm của đồng euro cong giúp các nước dễ dàng hơn trong việc đạt được những sự hợp nhất tài chính cần thiết, đồng thời ngăn chặn suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng, giảm nợ xấu và nguy cơ vỡ nợ cho hệ thống ngân hàng. Thu nhập doanh nghiệp và tình trạng việc làm cũng nhờ đó được cải thiện.
Mặc dù việc euro giảm giá trị không có bàn tay can thiệp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), song nếu ECB nới lỏng các chính sách tiền tệ hơn nữa, tốc độ giảm của đồng euro sẽ càng nhanh hơn.
Nhiều người cho rằng xuất khẩu của eurozone được cải thiện đồng nghĩa xuất khẩu Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, tác động này sẽ tương đối nhỏ bởi thương mại Mỹ với các nước eurozone chỉ chiếm chưa đến 5% GDP của Mỹ.
Cũng không có bất cứ lý do gì để lo ngại Washington sẽ tìm cách ngăn chặn đồng euro xuống thấp so với USD, bởi trong lịch sử, Mỹ không có truyền thống can thệp vào thị trường ngoại tệ. Bên cạnh đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây thừa nhận sự sụp đổ của khu vực châu Âu là một nguy cơ lớn với Mỹ.
Nguồn FT/Khampha