Chủ Nhật | 07/07/2013 09:05

Euro - Phiên bản lỗi của bản vị vàng

Người ta hoài nghi đồng euro liệu có đi theo "vết xe đổ" của bản vị vàng.
Các lãnh đạo châu Âu vừa được “nghỉ ngơi” một khoảng thời gian sau khủng hoảng tài chính kể từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, sức khỏe của khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn “yếu” và còn nhiều rủi ro đang trực chờ.

Lợi suất trái phiếu Bồ Đào Nha tăng vọt trong tuần này khi liên minh cầm quyền rạn nứt, đẩy nước này vào tình thế đối mặt với khủng hoảng chính trị toàn diện. Liên tiếp 2 nhân vật quan trọng trong nội các Bồ Đào Nha là bộ trưởng tài chính và ngoại trưởng đệ đơn xin từ chức đầu tuần này, do bất đồng quan điểm với nội các về chương trình thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, nền kinh tế Ireland suy giảm 3 quý liên tiếp và việc thành lập một liên minh ngân hàng khu vực còn một chặng đường dài để đi.

Sự mong manh của đồng euro được nhấn mạnh trong nghiên cứu mới đây của hai nhà kinh tế học Michael Bordo từ trường đại học Rutgers và Harold James từ trường đại học Princeton. Hai sử gia kinh tế đã nhìn vào những sai sót trong một hệ thống tiền tệ quốc tế từng được coi là bất khả xâm phạm, chế độ bản vị vàng và tìm ra những lý do để băn khoăn về chế độ đồng tiền chung.

Theo hai tác giả, sự tương đồng giữa đồng tiền chung châu Âu và chế độ bản vị vàng là không hoàn toàn chính xác. Đồng euro là liên minh tiền tệ mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đứng đầu, trong khi bản vị vàng không có tổ chức nào điều hành như vậy. Đồng euro biến động so với các đồng tiền khác như USD và ECB có nhiệm vụ duy trì sự ổn định giá thay vì chuyển đổi nó thành vàng. Nhưng 17 quốc gia đang chia sẻ một đồng tiền chung hiện nay lại được cho là đại diện cho một bản vị vàng mới mà trong đó tỷ giá hối đoái được cố định.

Nghiên cứu này không mới, tuy nhiên những phân tích của các tác giả về những tranh chấp mà cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ bản vị vàng lại là phát hiện mới. Những tranh chấp này được cho là bắt nguồn từ 3 “bộ ba bất khả thi” (trilemma), trong đó chỉ hai lựa chọn đi với nhau là khả thi mà không thể là cả ba.

Đồng euro được ví với phiên bản "lỗi" của bản vị vàng
Đồng euro được ví với phiên bản "lỗi" của bản vị vàng

Trước nhất phải kể đến bộ ba: lãi suất cố định, dòng vốn di chuyển tự do và một chính sách tiền tệ độc lập. Điều này có nghĩa là, khi tiền tệ bị khóa và dòng vốn có thể chảy tự do, một quốc gia sẽ không thể nào điều hành một chính sách tiền tệ độc lập. Nhưng Bordo và James cho rằng các quốc gia thuộc đế chế như đồng euro và bản vị vàng không chỉ hy sinh sự độc lập về chính sách tiền tệ, mà còn mất luôn sự ổn định về tài chính và thậm chí phá hoại nền dân chủ.

Nói về vấn đề độc lập tiền tệ. Bằng việc ném đi chiếc chìa khóa tỷ giá hối đoái, các quốc gia phải điều chỉnh lại giá cả nội địa và mức lương khi có sự chênh lệch. Trong những ngày hoàng kim trước Chiến tranh Thế giới thứ I, bản vị vàng hoạt động khá hiệu quả. Nó tạo áp lực lên cả các nước có thặng dư và thâm hụt ngân sách – yếu tố quyết định sức cạnh tranh của mỗi quốc gia. Các quốc gia có thặng dư ngân sách thu được vàng, từ đó làm tăng cung tiền, khiến giá hàng hóa trong nước tăng và làm giảm sức cạnh tranh trong thương mại. Ngược lại, các quốc gia có thâm hụt ngân sách mất vàng khiến cung tiền tự động thắt chặt, đẩy giá hàng hóa giảm và kết quả là sức cạnh tranh thương mại lại tăng lên.

Không may rằng đồng euro lại giống với phiên bản “lỗi” của bản vị vàng trong chiến tranh, hơn là phiên bản cổ điển trước chiến tranh. Sau khi chế độ bản vị vàng được khôi phục vào những năm 20, ngân hàng trung ương các nước thặng dư ngân sách như Pháp (trở lại bản vị vàng ở tỷ giá hối đoái thấp) đã triệt tiêu tác động của dòng chảy vàng đối với tiền tệ, vì thế giá cả không tăng. Áp lực điều chỉnh đè nặng lên các quốc gia như Anh – trở lại bản vị vàng vào năm 1925 ở tỷ giá hối đoái cao.

z
Một quá trình giảm phát khắc nghiệt tương tự hiện đang diễn ra ở các nước ngoại vi khối eurozone, chẳng hạn như Hy Lạp. Quá trình điều chỉnh của các quốc gia như Hy Lạp sẽ ít khắc nghiệt hơn nếu các quốc gia chủ chốt của khối sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn trung bình khu vực đồng euro, tuy nhiên Đức quyết liệt phản đối điều này.

“Bộ ba bất khả khi” thứ hai mà tác giả nhắc đến là sự không tương thích giữa tỷ giá hối đoái cố định, sự lưu động vốn và sự ổn định tài chính. Khi các quốc gia tham gia vào bản vị vàng, nó sẽ thu hút một dòng tiền lớn từ nước ngoài. Việc này sẽ thúc đẩy tín dụng và khuyến khích ngân hàng nội địa mở rộng tuy nhiên thường kết thúc trong “đau thương”.

Dưới thời bản vị vàng, một quốc gia hùng mạnh có thể hỗ trợ cho các ngân hàng yếu kém và các nhà đầu tư; chẳng hạn như ngân hàng trung ương Nga từng được gọi là Hội chữ thập đỏ của thị trường chứng khoán”. Trái lại, những quốc gia yếu thế thường dễ dàng đánh mất niềm tin của nhà đầu tư, giống như Argentina từng trải qua khủng hoảng ngân hàng vào năm 1890.

Lịch sử đó đang tái hiện đối với khối đồng tiền chung. Tiền như “thác đổ” vào những nước ngoại vi eurozone, khiến ngành ngân hàng bùng nổ và gây ra bong bóng bất động sản. Hậu quả của nó là áp lực tái cấp vốn ngân hàng đã khiến cả Ireland và Tây Ban Nha rơi vào nguy cơ vỡ nợ.

“Bộ ba bất khả thi” thứ ba, cũng là mối lo lớn nhất: sự không tương thích giữa tỷ giá hối đoái cố định, lưu chuyển tự do của dòng vốn và nền dân chủ. Anh đã phải rời bỏ bản vị vàng vào năm 1931, điềm báo cho hồi kết của chế độ này khi những biện pháp khắc khổ nó đặt ra với quốc gia đã ngoài tầm kiểm soát.

Nguy cơ phản ứng tương tự đối với nền kinh tế cũng như những đòi hỏi về tài khóa đối với liên minh tiền tệ châu Âu đã rõ ràng. Dù phía Nam châu Âu vẫn muốn giữ đồng euro, ít nhất bởi cái giá phải trả khi rời bỏ nó còn đắt hơn việc rời bỏ bản vị vàng. Cử tri Italia phản đối thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng hồi tháng 2; chính phủ Bồ Đào Nha thì đang khốn khổ đối mặt với sự phản đối công khai các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu. Trong khi đó, người châu Âu phía Bắc cũng không lấy gì là vui vẻ. Phổ biến nhất là sự phản đối của người Đức về việc bỏ tiền giải cứu các quốc gia cùng khối đang có nguy cơ vỡ nợ.

Tuy nhiên, những điều này không ngụ ý rằng sự đổ vỡ sắp xảy ra. Những căng thẳng chính trị có thể âm thầm nhen nhóm một thời gian dài trước khi nó trở nên sôi sục nhưng cuộc suy thoái của eurozone tới một lúc nào đó cũng sẽ phải kết thúc. Tiến độ cải tổ lại hệ thống có thể tăng tốc sau cuộc bầu cử Đức vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, nếu sự tồn tại lâu dài của đồng tiền chung được đảm bảo, người châu Âu có thể sẽ tạo nên dấu son ngoạn mục trong lịch sử.

Nguồn Dân Việt/Economist


Sự kiện