Thứ Ba | 06/11/2012 16:36

EU và ECB bất đồng về phương thức cứu trợ Hy Lạp

Vấn đề nợ công Hy Lạp vẫn chưa thấy điểm sáng khi việc mở rộng cứu trợ cho Hy Lạp gặp khó khăn về nguồn vốn.
Liên minh châu Âu (EU) và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang bất đồng trong việc ai sẽ đóng vai trò chủ đạo khi cho Hy Lạp thêm thời gian để trả nợ và ở lại khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Ngoài ra, việc tài trợ cho Hy Lạp theo dạng nào cũng là điều đang được bàn thảo. Các nhà hoạch định chính sách của ECB vừa qua đã họp về việc xóa nợ một phần hay đưa thêm tiền cứu trợ vào quốc gia đang ngập trong nợ nần này.

Ngày 15/11 tới đây, Hy Lạp phải trả khoản trái phiếu trị giá 5 tỷ euro (khoảng 6,5 tỷ USD) trong tình trạng không có tiền trừ khi EU hoặc ECB cấp thêm để đảo nợ.

Tuy nhiên, việc cấp thêm vốn cho Hy Lạp bị coi như hành động in thêm tiền để trợ cấp cho các quốc gia thành viên và đây là điều mà ECB bị giới hạn do những ràng buộc về lạm phát.

Muốn nhận được tiền cứu trợ từ nguồn thứ ba là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì Hy Lạp phải đảm bảo được khả năng trả nợ và "quả bóng" áp lực lại được đá quay lại sân của EU và ECB.

Các quan chức ECB cho rằng dù có bán trái phiếu của Hy Lạp ngân hàng đang nắm giữ cũng chỉ đáp ứng được phần nào thiếu hụt cũng như còn một số vấn đề nảy sinh và yêu cầu EU vào cuộc.

Theo kế hoạch, ECB sẽ bán lại trái phiếu ngân hàng nắm giữ cho chính Hy Lạp với giá chiết khấu 20%. Như vậy, Hy Lạp sẽ giảm được 8 tỷ euro (hơn 10 tỷ USD).

Tuy nhiên, điều khó khăn là Hy Lạp cần tiền từ EU để mua lại chính khoản trái phiếu đã chiết khấu này. Chiều ngược lại, EU đề nghị ECB ân hạn trả nợ và giảm lãi cho Hy Lạp.

Ngoài khó khăn trong ngắn hạn, viễn cảnh dài hạn của Hy Lạp cũng không hề tốt đẹp. Nợ công của Hy Lạp theo ước tính của các bên liên quan sẽ đạt mức 140% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020.

Tuy nhiên, con số gần đây mà chính Hy Lạp đưa ra lớn hơn rất nhiều, lên tới 190% so với GDP. Vì vậy, chi phí để khắc phục chắc chắn sẽ lớn hơn những ước tính vốn muốn đưa mức này về 120% so với GDP trước đó.

Việc gia hạn thời gian giảm thâm hụt thêm hai năm cho Hy Lạp cũng sẽ khiến các chủ nợ mất tới 30 tỷ euro (38,5 tỷ USD).

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện