Hôm nay 29/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt mọi hỗ trợ dành cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Phát ngôn viên phụ trách đối ngoại của EU cho biết sau cuộc họp của các đại sứ tại Brussels: "Một thỏa thuận chính sách đã đạt được trong gói các biện pháp trừng phạt kinh tế".
Vào hôm qua 28/7, những người đứng đầu các chính phủ Pháp, Mỹ, Đức, Anh và Ý đã xác nhận họ có "ý định thông qua các biện pháp mới nhằm chống lại Nga". Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ đưa ra loạt lệnh trừng phạt mới đối với Nga ngay trong tuần này.
Theo Le Monde, các biện pháp trong "gói" trừng phạt mới lần này của EU sẽ bao gồm đóng băng tài khoản ngân hàng của những người thân cận với Tổng thống Putin, lệnh cấm bán vũ khí và công nghệ nhạy cảm trong lĩnh vực năng lượng và hàng hóa trong lĩnh vực quân sự và dân sự, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt đặt ra đối với các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga, chẳng hạn như lĩnh vực tài chính.
Chi tiết về các biện pháp trừng phạt mới sẽ được đưa ra trong ít giờ tới, nhưng những nội dung cụ thể đã được 28 quốc gia thành viên EU đàm phán từ nhiều tuần nay.
Biện pháp đầu tiên trong "gói" trừng phạt mới của EU là đóng băng tài khoản ngân hàng và cấm đi lại đối với 4 nhân vật thân cận của Tổng thống Putin và 3 công ty. Danh sách đen của EU hiện bao gồm 87 cá nhân và 20 tổ chức.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt thường ít được nhắc đến đối với lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga, chẳng hạn như các doanh nghiệp Nga sẽ có quyền vay vốn hạn chế tại các ngân hàng châu Âu, hay không còn được niêm yết trên thị trường chứng khoán và hoạt động chuyển giao công nghệ cao cũng sẽ bị giới hạn.
Như vậy, Nga đã phải đón nhận 2 loạt lệnh trừng phạt mạnh liên tiếp trong vòng chưa đầy 2 tuần. Bởi trước đó vào ngày 16/7, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất đối với Nga, với mục tiêu chủ yếu nhằm vào các công ty năng lượng, tài chính cũng như quốc phòng hàng đầu của Nga trong đó có tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất Nga Rosneft, tập đoàn khí đốt lớn thứ 2 Novatek, ngân hàng có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprombank, ngân hàng Vneshekonombank.
Các biện pháp trừng phạt mới vừa được EU ban hành có nguy cơ trở thành đòn đánh quyết định đối với nền kinh tế Nga vốn đang rệu rã với tăng trưởng gần như bằng không, dòng vốn 76 tỷ USD tháo chạy khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm (so với 63 tỷ USD năm 2013) và giảm một nửa tổng giá trị các khoản đầu tư từ nước ngoài.
Nguồn Theo DVO/Le Monde