Bộ quy tắc quản lý và điều chỉnh tiền kỹ thuật số dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2024. Ảnh: Reuters.

 
Khánh Tú Thứ Sáu | 19/05/2023 15:25

EU thông qua bộ quy tắc tiền kỹ thuật số đầu tiền trên thế giới

Theo các nhà chức trách EU, bộ quy tắc này sẽ bảo vệ các nhà đầu tư châu Âu khi lựa chọn "bỏ tiền" vào loại hình tài sản tiền điện tử.

Hãng Reuters đưa tin các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý và điều chỉnh các loại tiền điện tử trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ). Động thái này gây áp lực lên các quốc gia như Anh và Mỹ rằng phải nhanh chóng bắt kịp.

Theo đó, những quy tắc này đã được EU và Nghị viện châu Âu thảo luận và phê duyệt hồi tháng 4 trước khi bắt đầu triển khai áp dụng vào năm 2024.

Bộ quy tắc quy định bất kỳ công ty, doanh nghiệp hay một tổ chức nào đó muốn phát hành, giao dịch, bảo lãnh tiền điện tử, các loại hình được mã hoá hay stablecoin (đồng tiền điện tử được tạo ra để theo dõi giá trị của một tài sản hay một đồng tiền khác) trong khối 27 quốc gia đều phải có giấy phép được chấp thuận.

 

Việc điều chỉnh tiền điện tử trở nên cấp thiết và cần nhanh chóng thực hiện hơn đối với các cơ quan quản lý sau sự sụp đổ gây chấn động toàn thị trường của sàn giao dịch tiền điện tử FTX hồi tháng 11/2022, hãng tin Reuters nhận định.

“Các sự kiện gần đây đã củng cố nhu cầu cấp thiết phải áp đặt các quy tắc đối với thị trường tiền kỹ thuật số. Mục tiêu là tăng cường bảo vệ những nhà đầu tư châu Âu đã lựa chọn “rót tiền” vào loại hình tài sản này, đồng thời ngăn chặn tội phạm lạm dụng tiền điện tử cho mục đích rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố”, bà Elisabeth Svantesson, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch EU năm nay, cho biết.

Cũng tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã đưa ra những biện pháp truy vết giao dịch tiền điện tử một cách dễ dàng hơn nhằm “vô hiệu hóa” các hoạt động phi pháp như trốn thuế, lợi dụng tiền kỹ thuật số để rửa tiền. Như vậy, từ tháng 1/2026, các nhà cung cấp dịch vụ phải kê khai tên người gửi và người thụ hưởng các tài sản tiền điện tử, bất kể số tiền được chuyển là bao nhiêu.

Ngoài ra, các Bộ trưởng đồng thời thông qua thỏa thuận sửa đổi các quy tắc hợp tác giữa các quốc gia EU trong việc thu thuế, bao gồm giám sát cả những giao dịch bằng tiền điện tử. Các nước trong khối cũng sẽ trao đổi thông tin về các phán quyết áp thuế được xác định trước đối với những cá nhân giàu có.

Trước động thái của EU, giới chức Mỹ cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng cho bộ quy tắc tiền điện tử tại nước này. Ảnh: Reuters.
Trước động thái của EU, giới chức Mỹ cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng cho bộ quy tắc tiền điện tử tại nước này. Ảnh: Reuters.

Trước thông tin về bộ quy tắc, các công ty tiền điện tử bày tỏ rằng họ muốn có sự chắc chắn trong quy định từ giới chức EU. Như vậy sẽ có thể gây sức ép lên các quốc gia có động thái phát hành bộ quy tắc tương tự Liên minh châu Âu. Song, các cơ quan quản lý cũng chịu áp lực buộc phải đưa ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho hoạt động giao dịch tiền và tài sản điện tử xuyên biên giới.

Theo hãng tin Reuters, Vương quốc Anh đã vạch ra một kế hoạch tiếp cận theo từng giai đoạn, bắt đầu với stablecoin rồi mở rộng ra các loại tiền điện tử không được hỗ trợ bởi tài sản truyền thống. Tuy nhiên nước này từ chối cho biết thời gian cụ thể của kế hoạch.

Về phía Mỹ, giới chức nước này tập trung vào việc sử dụng các quy tắc chứng khoán hiện hành để áp dụng cho lĩnh vực này trong khi đi đến thỏa thuận cuối cùng. Hiện các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa có quyết định nên đưa ra bộ quy tắc riêng biệt đối với các loại tiền điện tử hay không cũng như những đơn vị nào sẽ áp dụng các quy tắc đó.

Có thể bạn quan tâm:

Emirates công bố kết quả kinh doanh năm tài chính 2022-2023

Nguồn Reuters