EU thêm suy kiệt do làn sóng đòi độc lập
Hiện nay, các nước châu Âu có phong trào đòi độc lập bao gồm Anh, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ. Chính phủ Anh đã phải đồng ý để Scotland tiến hành bầu cử toàn dân vào năm 2014. Trong khi đó, xứ Catalan của Tây Ban Nha vì không muốn bị liên lụy đến khoản nợ công của chính phủ trung ương nên cũng đang chủ trương độc lập. Cách đây chưa lâu, hàng vạn người đã tập trung tại Barcelona để biểu tình kêu gọi độc lập.
Một chính đảng vốn chủ trương độc lập cho khu tự trị Basque ở phía Bắc đã trở thành chính đảng lớn thứ hai ở Tây Ban Nha, đồng thời đang tích cực thúc đẩy chính phủ Tây Ban Nha sửa đối hiến Pháp, cho phép xứ Basque độc lập.
Tại Italia, do sự suy thoái kinh tế quá lâu của nước này, người Venice cũng đang hy vọng thành lập “nước Cộng hòa Veneto” bao gồm các vùng tự trị Venice, Veneto và Lombardy. Đối với Bỉ, tại cuộc bầu cử thị chính của nước này mới kết thúc cách đây không lâu, chính đảng theo chủ nghĩa độc lập của khu vực Flander đã giành được những thành tích rất tốt, đảng này yêu cầu chính phủ Bỉ tiến hành cải cách chế độ liên bang, trên cơ sở đó để cho Flander có quyền tự trị lớn hơn…
Những khu vực kiểu như xứ Basque đã có lịch sử đấu tranh đòi độc lập từ lâu, song do giới hạn bởi lợi ích và hình ảnh quốc gia, các phong trào đòi độc lập này không nhận được nhiều sự ủng hộ và cũng không đủ sức để trở thành làn sóng lớn.
Tuy nhiên, tình trạng ảm đạm của nền kinh tế cùng chính sách thắt chặt của các chính phủ trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã làm gia tăng sự bất mãn của người dân đối với chính phủ các nước. Với lý do kinh tế, không muốn bị nợ công làm liên lụy mà chủ trương đòi độc lập đang trở thành một trào lưu ở châu Âu.
Ví dụ rõ ràng nhất là ở khu vực Venice. Có học giả người Italia từng chỉ ra rằng, người Venice mỗi năm nộp cho chính phủ Roma 70 tỷ euro, song lại chỉ gián tiếp nhận về từ chính phủ được 50 tỷ euro. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm Venice bị tổn hại 20 tỷ euro, khiến tình cảm của họ ngày càng thêm bất mãn trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung.
Trong khi đó, xứ Catalan cống hiến tới 1/5 tổng giá trị sản xuất quốc nội của Tây Ban Nha, hàng năm nộp thuế lớn để hỗ trợ chính phủ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đang bị chìm trong cuộc khủng hoảng nợ, xứ Catalan cũng bị liên lụy nặng nề, bị ép phải "bơm máu" cho các khu vực khác, chính điều này càng thúc đẩy quyết tâm đòi độc lập của người dân Catalan.
Phong trào đòi độc lập trên khiến các nhà lãnh đạo EU vô cùng lúng túng. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU, thủ tướng Italia Mario Monti đã từng đề nghị triệu tập một Hội nghị thượng đỉnh phi chính thức để đánh giá về khuynh hướng chủ nghĩa độc lập ở châu Âu, tìm giải pháp giúp làm giảm “nguy cơ phân tách” trong nội bộ 27 nước thành viên EU.
Điều này có thể chứng minh đầy đủ rằng lãnh đạo các nước EU hết sức lo lắng về làn sóng chủ nghĩa ly khai. Trong lúc có rất nhiều quốc gia đang nghi ngờ về xu thế mang tính bền vững của EU, phong trào chủ nghĩa ly khai như một thùng dầu được dội lên ngọn lửa xung đột kinh tế và chính trị ở châu Âu.
Theo các chuyên gia, làn sóng đòi độc lập ở châu Âu đang tiếp diễn và có xu thế ngày càng lên cao, điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình chính trị châu Âu. Một mặt, chính sách thắt chặt hiện nay có thể bị ép chấm dứt, cuộc khủng hoảng nợ công sẽ trầm trọng hơn. Mặt khác, các phong trào và bạo lực đường phố sẽ không ngừng gia tăng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức ngưng tụ của EU, toàn bộ châu Âu trở nên phân tán, mỗi nước tự lo một kiểu, khó có sự hiệp đồng thống nhất.
Nguồn Chinhphu.vn