Thứ Năm | 23/05/2013 08:26

EU thắt chặt quy định cứu trợ ngân hàng

Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ áp đặt những điều kiện nghiêm ngặt hơn về gói cứu trợ dành cho các ngân hàng đang gặp khó khăn.
Trong thời gian tới, việc xem xét lại kiểm soát của Liên minh châu Âu (EU) đối với gói cứu trợ cho ngân hàng Tây Ban Nha lần trước sẽ trở thành một kiểu mẫu cho toàn châu Âu. 27 quốc gia thành viên sẽ áp đặt một số điều khoản lên các chủ nợ.

Theo quy định mới của Ủy ban châu Âu, các trái chủ và chủ nợ lớn sẽ buộc phải "chia sẻ gánh nặng" (chấp nhận thua lỗ) thông qua một cơ sở bắt buộc và kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng phải được sự đồng ý của EU trước khi gói cứu trợ nhà nước được đưa ra.

Cho đến nay, các chủ nợ phần lớn buộc phải tham gia cứu trợ cho các nước đang nhận cứu trợ của EU. Điều này làm tăng lo ngại về việc các trái chủ ngân hàng tại các nước thành viên phát triển sẽ được "nương tay" hơn trong suốt cuộc khủng hoảng khi chưa có các tiêu chuẩn chung.

Việc thắt chặt các quy định cứu trợ sẽ được đưa ra vài năm trước khi ban hành một chế độ chính thức của EU dành cho các ngân hàng phá sản bằng việc áp đặt các khoản lỗ lên chủ nợ.

Các quan chức cấp cao EU lo ngại những quy định cứu trợ mới có thể làm tăng chi phí huy động vốn cho các ngân hàng khu vực Nam Âu do các chủ nợ nhận thấy đầu tư vào ngân hàng tại các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm bậc AAA như Đức hoặc Phần Lan sẽ có rủi ro thấp hơn.

Quy định mới dựa trên kinh nghiệm từ trường hợp của Tây Ban Nha và Hà Lan trước đây. Ở Tây Ban Nha, trái chủ lớn sẽ bị ảnh hưởng và kế hoạch tái cơ cấu của EU được thông qua trước khi các gói cứu trợ được giải ngân. Trong khi đó, các chủ nợ nhỏ bị ảnh hưởng khi ngân hàng bán lẻ Hà Lan SNS bị quốc hữu hoá.

Tuy nhiên, đối với Síp, các trái chủ lớn và người gửi tiền không có đảm bảo đều phải chịu thiệt hại. EU đang đàm phán về quy định bảo lãnh các chủ nợ lớn của ngân hàng nhưng quy định này không thể được thi hành một cách có hệ thống trước năm 2018.

Các hướng dẫn về cứu trợ cấp quốc gia mới sẽ được áp dụng cho các ngân hàng phá sản trong tương lai, dưới sự giám sát của Ủy ban châu Âu. Các quan chức cấp cao của EU dự định lấy ý kiến về kế hoạch này vào ngày mai (24/5).

Trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính, những quy định này đã trở thành khuôn khổ giải quyết hiệu quả với châu Âu và sẽ duy trì cho đến khi các luật chung được thống nhất và các quỹ cứu trợ được thành lập. Có thể phải mất tới 5 năm hoặc hơn để thực hiện điều này.

Nguồn FinancialTimes/Dân Việt


Sự kiện