EU sắp áp lệnh trừng phạt mới đối với Iran
Ngoại trưởng Hague nói thêm rằng cuộc họp tại Cộng hòa Síp ngày 7/8 vừa qua cho thấy các bộ trưởng ngoại giao EU đều "ủng hộ mạnh mẽ việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran".
Ông cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt mới "hiệu quả hơn bất kỳ biện pháp nào trước đó". Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với chương trình hạt nhân của Iran mà phương Tây cho rằng nhằm mục đích phát triển vũ khí quân sự.
Khi được hỏi về khả năng Israel có thể tấn công Iran, ngoại trưởng Hague cho biết: "Chúng tôi gửi thông điệp rõ ràng đến Israel nói riêng và tất cả các nước nói chung rằng EU phản đối cuộc tấn công Iran trong bất cứ trường hợp nào".
Về vấn đề Syria, ngoại trưởng Anh cho rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khó có thể áp đặt các biện pháp hành động cứng rắn như can thiệp quân sự chống lại Syria do phủ quyết của hai nước thành viên Nga và Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt đánh trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran có hiệu lực từ ngày 1/7 đã khiến nước này mất khoảng 113 triệu USD mỗi ngày.
Theo ước tính trung bình của 10 nhà phân tích của Bloomberg, mỗi ngày Iran xuất khẩu khoảng 1,1 triệu thùng dầu, giảm một nửa so với mức 2,3 triệu thùng trong năm 2011. Sản lượng khai thác dầu trong tháng 7 cũng giảm 9,5% còn 2,8 triệu thùng mỗi ngày, thấp nhất kể từ tháng 2/1990.
Iran cũng đang gặp vô số khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) như giá cả một số loại nhu yếu phẩm của Iran như gạo, thịt, bánh mỳ tăng mạnh khi đồng rial mất 50% giá trị so với đồng USD. Lạm phát lên đến 22,4% trong 12 tháng qua, tính đến ngày 20/6. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 cũng lên tới 13,5%.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Iran đã giảm từ 2% trong năm 2011 xuống còn 0,4% trong năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tăng 1,3%, song tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao trong hai năm tới.
Nguồn Reuters/Khampha