Thứ Năm | 28/06/2012 06:32

EU, Mỹ, Nhật Bản chính thức kiện Trung Quốc lên WTO về đất hiếm

Đây là động thái sau khi thảo luận giữa 4 bên nhằm giải quyết bất đồng về việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc thất bại.
Trước đó tháng 3, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản đã cùng gửi chung 1 khiếu nại về vấn đề này lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), lần đầu tiên họ cùng nhau khiếu nại, trong bối cảnh xảy ra một loạt tranh chấp với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, bao gồm cả giá trị nhân dân tệ.

Sau khi kháng cáo được chấp nhận, quá trình giải quyết của WTO có thể mất tới 2 năm để hoàn thành. EU, Mỹ và Mexico từng thắng Trung Quốc trong trường hợp tương tự liên quan tới nguyên liệu thô khác.

Vấn đề đất hiếm này liên quan tới 17 kim loại đất hiếm, gồm cả vonfram và molypden, sử dụng trong các công nghệ hiện đại cho quốc phòng, điện tử và công nghiệp năng lượng tái tạo. Chúng được sử dụng trong các sản phẩm như iPhone, ổ đĩa và tua bin gió.

Sau khi khiếu nại trong tháng 3, các bên thảo luận trong tháng 4 tìm kiếm giải pháp, tuy nhiên ông De Gucht cho biết đáp ứng của Trung Quốc không hợp lý, và không dẫn tới đâu cả.

Cao ủy thương mại EU Karel De Gucht tuyên bố những hạn chế của Trung Quốc với đất hiếm cũng như các sản phẩm khác vi phạm cam kết với WTO của nước này, và tiếp tục bóp méo thị trường toàn cầu, khiến các công ty EU bất lợi.

Thiệt hại cho sản xuất châu Âu lên tới hàng tỷ euro, vì việc đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc là gần như không thể, theo các quan chức EU. Trung Quốc chiếm tới 97% sản lượng 17 loại đất hiếm. EU trực tiếp nhập khẩu lượng đất hiếm trị giá 350 triệu euro từ Trung Quốc mỗi năm.

EU, Mỹ, Nhật Bản buộc tội Bắc Kinh cố gắng làm giảm giá thành cho các nhà sản xuất nội địa và tạo sức ép buộc các công ty quốc tế phải hoạt động ở Trung Quốc. EU và Mỹ nói điều này gây thiệt hại cho các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng của họ, khi các công ty nước ngoài phải trả gần gấp đôi giá đất hiếm các công ty Trung Quốc trả.

Trong tháng 3, Trung Quốc cho rằng khiếu nại thương mại trên không công bằng, lập luận rằng mình chỉ kiểm soát 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu do các nước khác, đặc biệt Mỹ, từ lâu đóng cửa các nhà máy sản xuất đất hiếm do lo ngại ô nhiễm.

Bắc Kinh cũng lập luận lệnh hạn chế xuất khẩu nhằm kiểm soát các vấn đề môi trường, cũng như bảo vệ nguồn cung của nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Tinh chế đất hiếm cần một lượng lớn axít và cũng tạo ra các chất thải phóng xạ.

Trong một diễn biến khác, nhóm các doanh nghiệp Mỹ tổ chức cuộc họp báo ngày 28/6 để thúc giục Quốc hội thông qua Luật về Công ước biển đã 30 năm tuổi, cho phép các công ty Mỹ hợp pháp đầu tư mạnh vào công nghiệp khai thác đất hiếm dưới đáy biển. Nhóm này hy vọng hiệp ước, trong quá khứ không cho phép khai thác do các lo ngại về chủ quyền Mỹ, cuối cùng cũng được Thượng viện thông qua sau cuộc bỏ phiếu của Mỹ tháng 11.

Nguồn Reuters/ DVT


Sự kiện