EU muốn các nước ngoài eurozone tham gia liên minh ngân hàng
Theo hãng Reuters, các quan chức 27 quốc gia thành viên EU đang cân nhắc xây dựng một khung quy định, trong đó cho phép các nước ngoài eurozone góp tiếng nói trong các quyết định giám sát cuối cùng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, điều này khá phức tạp bởi khi liên minh ngân hàng được thành lập, ECB sẽ phải đưa ra các phán quyết cuối cùng với tư cách là ngân hàng trung ương của EU, đồng thời là cơ quan giám sát ngân hàng tối cao.
Theo bài báo đăng tải trên tờ Financial Times hôm qua 17/10, có ý kiến cho rằng việc tạo ra một cơ quan giám sát ngân hàng duy nhất cho eurozone như vậy là đi ngược với luật pháp, bởi lẽ bộ luật của EU không cho phép có bất cứ sự thay đổi nào trong cách thức hoạt động của ECB.
|
Để giải quyết vấn đề này, có ý tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu có thể xây dựng một cơ quan trong nội bộ ECB, nơi các nhà quản lý từ các nước bên ngoài eurozone có thể đóng góp tiếng nói của mình.
"Cơ quan mới này sẽ nằm ngay trong ECB, có nhiệm vụ thực hiện các công việc chuẩn bị. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ do hội đồng quản trị của ECB ký duyệt", một quan chức EU giấu tên giải thích. Ý tưởng này đã nhận được khá nhiều ý kiến ủng hộ của các thành viên trong Nghị viện châu Âu (EP).
Theo các quan chức châu Âu, xây dựng liên minh ngân hàng là một việc làm quan trọng cho eurozone vào lúc này. Liên minh sẽ được xây dựng thông qua ba bước chính: ECB sẽ giám sát mọi ngân hàng eurozone và các ngân hàng đăng ký giám sát; ECB sẽ xây dựng một quỹ chung có nhiệm vụ xóa hoặc giải quyết nợ cho các ngân hàng gặp khó khăn; bước cuối cùng sẽ là xây dựng một chương trình toàn diện nhằm bảo vệ tiền gửi tiết kiệm.
Bên cạnh việc xây dựng chương trình kiểm soát tốt hơn các ngân hàng, liên minh ngân hàng cũng cho phép xây dựng một quỹ giải cứu mới cho eurozone, hay còn gọi là Cơ chế ổn định châu Âu, cho phép bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn, điển hình như ở Tây Ban Nha.
Cách làm trên sẽ giúp phá vỡ mối ràng buộc giữa những ngân hàng yếu kém và các quốc gia bị mắc nợ, góp phần kiềm chế khủng hoảng lây lan, hãng Reuters cho biết.
Nguồn Reuters/Khampha