Thứ Sáu | 25/05/2012 21:29

EU kiện Argentina lên WTO vì hạn chế nhập khẩu

Hôm nay (25/5), Liên minh châu Âu đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Argentina hạn chế nhập khẩu, ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư.
Ủy viên thương mại EU De Gucht đã đệ đơn lên WTO kiện chế độ bảo hộ nhập khẩu của Argentina sau khi Buenos Airs tịch thu dầu của Tây Ban Nha vì cho rằng "Hạn chế nhập khẩu của Argentina vi phạm quy tắc thương mại quốc tế và phải được dỡ bỏ".

EU xuất khẩu hơn 11 tỷ euro hàng hóa và dịch vụ sang Argentina mỗi năm, và nhập khẩu lại một lượng tương tự.

Các quan chức EU nhấn mạnh Argentina đã hạn chế thương mại bằng việc yêu cầu các loại giấy phép nhập khẩu khắt khe đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này kể từ ngày 1/2 năm nay. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Argentina cũng đang mở rộng ra ngày càng nhiều lĩnh vực.

Đầu tháng 5 Argentina chính thức quốc hữu hóa YPF - công ty dầu mỏ do tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha nắm giữ phần lớn cổ phần. Theo Viện dầu khí Argentina, YPF chiếm 34% sản lượng dầu, 25% sản lượng khí đốt và 54% tinh chế trong nước Argentina.

Tổng thống Argentina Cristina Kirchner tranh luận động thái này hoàn toàn đúng bởi Argentina đang phải đối mặt với nhu cầu nhập khẩu dầu tăng mạnh và Repsol đã không chấp nhận thỏa thuận đầu tư cần thiết để mở rộng sản xuất quốc nội, khiến cho nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh này có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh năng lượng.

Buenos Aires còn cho biết Repsol để lại món nợ 9 tỷ USD, trong khi chỉ trong vòng 1 thập kỷ đã kiếm được hơn 15,7 tỷ USD, hầu hết số tiền này đều dành để đầu tư ở nước ngoài thay vì tái đầu tư trong nước.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết việc thu giữ dầu sẽ gây ra tổn thất to lớn cho niềm tin của các nhà đầu tư trong nước. Repsol đòi bồi thường ít nhất 10 tỷ USD và đã hủy bỏ hợp đồng cung cấp khí thiên nhiên lỏng cho Argentina vào hôm nay (25/5).

Brussels đang bước đầu tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với Buenos Aires và có 60 ngày theo quy định của WTO để cố gắng giải quyết tranh chấp. Sau đó, WTO sẽ đứng ra xử lý và thông thường những trường hợp như vậy luôn kéo dài nhiều năm.

Nguồn UK News/DVT


Sự kiện