EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng
Những ngày này, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất đối với giới phân tích toàn cầu là việc đến khi nào thì Mỹ và EU mới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã tạm thời lắng xuống sau thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ở Minsk giữa các bên, mở đường cho một sự lắng xuống về tranh chấp quân sự để nhường chỗ cho các hoạt động tái thiết kinh tế.
Trong bối cảnh đó, sự kết nối lại quan hệ kinh tế Nga – EU là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Thế nhưng EU vẫn đang giữ thái độ hết sức cứng rắn về vấn đề này, không hẳn là họ không muốn chấm dứt các lệnh trừng phạt, mà có vẻ như là họ không thể làm điều đó ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Trong một động thái mới nhất, cả Mỹ và EU đều gây bất ngờ với giới phân tích thế giới khi đồng loạt tuyên bố không những sẽ không dỡ bỏ mà còn sẽ xem xét gia hạn thêm các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga ít nhất là 6 tháng nữa. Điều gây bất ngờ ở đây là vì vấn đề tầm quan trọng của việc nối lại quan hệ kinh tế với Nga trong bối cảnh kinh tế EU đang sa sút và cần một thị trường quan trọng như Nga chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy Liên minh châu Âu đi đến một thỏa thuận ngừng bắn với Nga và phe ly khai ở Ukraine.
Hầu hết tất cả các nước thành viên chủ chốt của EU như Pháp và Đức đều đã ủng hộ việc nối lại quan hệ kinh tế với Nga, đặc biệt là các nước Đông Âu đang gặp thiệt hại lớn do quan hệ thương mại với Nga vốn rất quan trọng với họ đã bị cắt đứt. Thực tế đã chứng minh cuộc trừng phạt Nga về kinh tế này của phương Tây đã không đạt được mục tiêu đề ra là ép Nga phải nhượng bộ trong vấn đề Ukraine, vì Nga đã vượt qua được nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra từ các lệnh trừng phạt này.
Tiếp tục cuộc trừng phạt thì người thiệt hại lớn nhất không ai khác ngoài EU khi khá nhiều bộ phận quan trọng của nền kinh tế các nước thành viên đang gặp vấn đề khi không thể xuất khẩu hàng hóa sang Nga trong bối cảnh tổng cầu trong EU đang trong tình trạng nhấp nháy báo động. Hơn thế nữa, một khi mối quan hệ kinh tế Nga – EU được nối lại,
Ukraine cũng sẽ được hưởng lợi ích khi là điểm trung chuyển trên tuyến thương mại ấy, nhất là khi Kiev đang chật vật tìm cách hồi phục và EU cũng đang đau đầu vì vấn đề này. Hầu như chẳng có lý do nào đích đáng để EU có thể tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt này ở thời điểm hiện tại.
Chính vì thế, việc EU tuyên bố gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng đang khiến tất cả ngạc nhiên, nhất là khi nó được gán vào một lý do mang tính chính trị, theo đó EU tuyên bố sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga cho đến khi có dấu hiệu cho thấy Nga và quân ly khai ở miền Đông Ukraine thực sự tôn trọng lệnh ngừng bắn được kí kết tại Minsk.
Nhìn bề ngoài, nó có vẻ như là một đòn gây sức ép lên Nga và quân ly khai miền Đông vì những vụ va chạm lẻ tẻ vẫn xảy ra ở biên giới với quân đội Ukraine sau khi lệnh ngừng bắn được kí kết. Điều này đang đi ngược lại với quan điểm chủ đạo của thủ tướng Đức Angela Merkel trong vấn đề giải quyết cuộc xung đột là giải quyết dựa trên đàm phán và thỏa thuận. Các chuyên gia đang cho rằng các vụ va chạm lẻ tẻ là điều rất bình thường dù lệnh ngừng bắn đã được các bên tôn trọng, và vì thế nguyên nhân thực sự cho việc gia hạn thêm các lệnh trừng phạt với Nga là vì EU chưa sẵn sàng để làm điều ấy ở thời điểm hiện tại.
Sở dĩ như vậy, là vì tuyến giao thông từ EU sang Nga vẫn chưa thông và đạt được sự an toàn cần thiết cho các hoạt động thương mại. Trong một vùng mà chiến sự vừa mới chấm dứt và vẫn thỉnh thoảng xảy ra các vụ nổ súng thì không ai có thể dám chắc điều gì có thể xảy ra.
Chính vì thế, giới phân tích cho rằng việc EU gia hạn thêm lệnh trừng phạt thêm 6 tháng và tuyên bố sẽ không dỡ bỏ trừ phi có dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn cũng đồng nghĩa với một giao ước ngầm mà EU đang giao hẹn với Nga, đó là: điều kiện cần thiết để nối lại quan hệ kinh tế Nga – EU là sự ổn định và an toàn cần thiết ở miền Đông Ukraine cho các hoạt động thương mại, và Nga nên tìm cách giải quyết vấn đề đó càng sớm càng tốt.
Và có vẻ như giao ước ngầm này đang khá tiến triển, khi vào thứ Bảy Kiev tuyên bố lần đầu tiên không ai trong quân đội Ukraine bị giết hay bị thương trong các vụ đụng độ với quân ly khai trong 24h. Sự kiềm chế đang có dấu hiệu được cả quân đội Ukraine lẫn quân ly khai tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Một lý do quan trọng không kém để EU trì hoãn dỡ bỏ lệnh trừng phạt, là vì nối lại quan hệ kinh tế Nga – EU ở thời điểm hiện tại không phải là thời điểm có lợi nhất cho Ukraine. Đúng là quá trình hồi phục kinh tế Ukraine sẽ được hưởng lợi từ việc tuyến thương mại Nga – EU được nối lại khi mọi hàng hóa đều phải qua Ukraine, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc Nga có thể xâm nhập vào nền kinh tế Ukraine vốn đang trong tình trạng sức khỏe yếu.
Khi mà khá nhiều các ngành và lĩnh vực của Ukraine vẫn đang trong tình trạng tan hoang sau cuộc xung đột và vẫn chưa thể hồi phục thì việc các doanh nghiệp Nga xâm nhập vào Ukraine cũng đồng nghĩa với việc Nga có thể thao túng một phần nền kinh tế Ukraine bằng cách thâu tóm các ngành và lĩnh vực chưa hồi phục này. Một sự kiểm soát của Nga đối với một bộ phận kinh tế Ukraine là điều mà EU muốn tránh ở thời điểm hiện tại.
Vì thế việc tạm thời ngưng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và gia hạn thêm khi lệnh trừng phạt trước đó sẽ hết hạn vào tháng 3 này là điều cần thiết với EU. EU cần một khoảng thời gian cần thiết để Nga đảm bảo được sự an toàn của tuyến đường thương mại giữa nước này và EU, đồng thời cũng là để Kiev có thời gian hồi phục lại nền kinh tế ở một mức độ nhất định trước khi quan hệ kinh tế với Nga được nối lại.
Một khi các vấn đề này được giải quyết, mối quan hệ kinh tế với Nga sẽ được nối lại. Và trong khi chờ đợi thì EU đang cố gắng che dấu động cơ thật bằng cách tuyên bố gia hạn lệnh trừng phạt như một động thái cứng rắn cần thiết với Nga với cái cớ đưa ra là vì những xung đột lẻ tẻ trong thời gian qua ở miền Đông Ukraine.
Nguồn Một Thế Giới