Thứ Ba | 23/04/2013 10:27

EU dỡ bỏ cấm vận Myanmar: "Dọn đường" cho cuộc đổ bộ

Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu ngày 22/4 tại Luxembourg dự kiến sẽ thông qua đề xuất dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận Myanmar. Bước đi này của châu Âu sẽ tạo điều kiện cho Myanmar thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ, dọn đường cho cuộc đổ bộ ồ ạt của EU vào thị trường đầy hứa hẹn này.

Liên minh châu Âu sẽ chính thức tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt đối với Myanmar, trừ cấm vận vũ khí, nhằm đáp lại những dấu hiệu tích cực của quá trình cải cách tại nước này, theo dự thảo văn kiện dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao được hãng thông tấn Reuters trích thuật ngày 18/4.

Cách đây một năm, EU đã tạm ngừng thực hiện phần lớn các biện pháp cấm vận chống Myanmar trong vòng một năm sau khi nước này bắt đầu đưa ra hàng loạt biện pháp cải tổ lớn. Tuy nhiên, khối này quyết định đi xa hơn, với việc đại sứ các nước thành viên đã thông qua đề xuất dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế, thương mại, đầu tư và hạn chế đi lại đối với một số quan chức của nước này trong cuộc họp ngày 17/4, mở đường cho việc thông qua ở cấp bộ trưởng trong phiên họp sẽ diễn ra ngày 22/4 tới tại Luxembourg. Theo thông lệ, đây chỉ là bước đi mang tính thủ tục do đã được bật đèn xanh từ trước.

Trong chuyến thăm Brussels tháng trước, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Myanmar tới Liên minh châu Âu, Tổng thống Thein Sein đã thúc giục EU dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, đồng thời cho rằng nước ông “là một trong những nước nghèo nhất thế giới”. Nhân chuyến thăm này, ông Thein Sein đã nhận được hàng loạt cam kết trợ giúp về kinh tế, đồng thời cũng được kêu gọi tăng cường bảo vệ quyền của người thiểu số. Viện trợ phát triển của EU cho Myanmar đã tăng hơn gấp đôi cho năm tài khóa 2012 - 2013 lên 150 triệu euro. Brussels cũng đề nghị hai bên nghiên cứu tính khả thi của một hiệp định bảo hộ đầu tư và thảo luận về một thỏa thuận ưu đãi thuế quan song phương.

Bước đi mới của EU sẽ cho phép các công ty của châu Âu đầu tư vào Myanmar, quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và nằm giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo hãng tin Reuters, dự thảo tuyên bố của cuộc họp Bộ trưởng ngoại giao EU sắp tới cũng nhấn mạnh khối này “sẵn sàng mở ra một chương mới trong quan hệ với Myanmar và xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững”.

Giới phân tích cho rằng quyết định của châu Âu sẽ tạo ra áp lực lớn lên Mỹ, nước cho đến nay mới chỉ tạm ngừng lệnh cấm vận nên Myanmar và cho phép các công ty của họ đầu tư kèm giấy phép. Nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Washington nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận để tạo điều kiện ổn định cho hoạt động của họ. “Chắc chắn Mỹ sẽ xem xét việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar và lý do của bước đi này để quyết định các bước đi tiếp theo mà Mỹ sẽ thực hiện”, luật sư Marae Ciantar của hãng luật quốc tế Allens đặt trụ sở tại Singapore nói. Theo ông Ciantar, hiện đang tư vấn cho một công ty viễn thông đa quốc gia tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Myanmar, việc EU dỡ bỏ cấm vận sẽ tạo điều kiện cho các công ty của họ có lợi thế hơn các đối thủ Mỹ.

Tới nay, EU vẫn duy trì lệnh phong tỏa tài sản của gần 1.000 công ty và tổ chức, cấm khoảng 500 cá nhân Myanmar nhập cảnh vào châu Âu. Trợ giúp kỹ thuật liên quan đến quân sự và đầu tư vào các lĩnh vực như hầm mỏ, công nghiệp khai thác gỗ và đá quý cũng bị cấm. Cách đây một năm, Mỹ và phương Tây đã từng bước nới lỏng lệnh cấm vận chống Myanmar sau khi nước này tiến hành các cải tổ sâu rộng cả về chính trị và kinh tế, khởi xướng bởi chính phủ dân sự đứng đầu là tổng thống Thein Sein. Nhờ đó, nước này đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của giới đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh luồng vốn đầu tư có xu hướng đổ dồn về khu vực Đông Nam Á năng động.

Bước đi sắp tới của EU được giới doanh nghiệp Myanmar đón nhận nồng nhiệt. Ông Myint Soe, phó Chủ tịch Liên hiệp các Phòng thương mại và công nghiệp, chủ tịch Hội các nhà sản xuất dệt may Myanmar cho rằng quyết định của Liên minh châu Âu “sẽ mở ra một thị trường quan trọng” cho hàng hóa của nước này. Trong vòng một năm trở lại đây, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barrack Obama, đã đến thăm Myanmar. Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài cũng bắt đầu tiến vào thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai phá này. Tháng 2 vừa qua, hãng bia Carlsberg của Đan Mạch cho biết sẽ ở quay trở lại sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế bị dỡ bỏ. Carlsberg đã buộc phải rời khỏi Myanmar giữa thập kỷ 1990.

Trong khi hoan nghênh những tiến bộ của quá trình cải cách tại Myanmar, dự thảo văn kiện mới của EU mà Reuters trích dẫn cũng kêu gọi nước này giải quyết vấn đề bạo lực sắc tộc và đưa ra các biện pháp cấp bách để giải quyết tình hình tại bang Rakhine, nơi các cuộc đụng độ giữa người Hồi giáo và Phật giáo đã khiến ít nhất 110 người chết và khiến 120.000 người rời bỏ nhà cửa. Chỉ riêng tuần trước, đã có 43 người bị giết do đợt bùng phát bạo lực mới.

(Theo Đại biểu Nhân dân)