EU điều chỉnh cơ chế giải cứu ngân hàng
Kế hoạch này được các bộ trưởng tài chính eurozone đề xuất vào cuối năm ngoái buộc các nước hoặc đầu tư vào hệ thống ngân hàng bên cạnh quỹ giải cứu - Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) - hoặc đảm bảo cho ESM trước bất kỳ tổn thất nào.
Bằng cách chia sẻ gánh nặng với các quốc gia đang gặp khó khăn, kế hoạch làm dấy lên những nghi vấn về cam kết của các nhà lãnh đạo EU trong việc "phá vỡ vòng luẩn quẩn" giữa các ngân hàng và chính phủ của họ.
Tại Ireland, Cộng hòa Síp và Tây Ban Nha, hàng tỷ USD từ quỹ cứu trợ quốc gia đổ vào giải cứu ngân hàng đã làm bùng nổ giới hạn nợ, buộc Ireland và Síp phải xin cứu trợ toàn diện và đẩy Tây Ban Nha vào nguy cơ phải thực hiện hành động tương tự.
Nhiều người ở Ireland và Tây Ban Nha hy vọng rằng đề xuất tái cấu trúc trực tiếp các ngân hàng mà ESM nhất trí vào tháng 6 sẽ chuyển chi phí giải cứu các ngân hàng từ quỹ cứu trợ quốc gia sang ESM. Sự chuyển đổi này sẽ giải quyết được một trong những vấn đề nan giải nhất trong cuộc khủng hoảng eurozone và bảo vệ các chính phủ khỏi việc suy yếu vì các gói giải cứu ngân hàng.
Tuy nhiên, đề xuất mới nhất do Ủy ban châu Âu soạn thảo sẽ buộc các quốc gia có đủ khả năng phải bơm tiền từ các quỹ giải cứu của mình vào các ngân hàng trước khi ESM thực hiện động thái tương tự.
Trong trường hợp một quốc gia đối mặt với tình trạng phá sản sau khi nhận được gói cứu trợ ngân hàng, chính phủ quốc gia này sẽ phải "bồi thường cho ESM bất kỳ tổn thất nào" hoặc đảm bảo ESM sẽ nhận lại được tất cả các khoản tiền cứu trợ của mình.
Các quan chức cấp cao của eurozone đã từ chối bình luận về dự thảo trên, hay nói cách khác các nhà lãnh đạo EU gia hạn cho họ đến tháng 6 để đưa ra quyết định cuối cùng và dự thảo trên vẫn có thể được thay đổi trong khoảng thời gian này.
Nguồn FT/Khampha