Thứ Hai | 14/04/2014 09:54

EU cân nhắc tăng cường trừng phạt Nga

Ngoại trưởng các nước khối EU sẽ hội đàm vào hôm nay 14/4 để thảo luận về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang vào cuối tuần qua, khi Kiev công bố kế hoạch " hoạt động chống khủng bố quy mô lớn " nhằm trấn áp một loạt những cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Bà Catherine Ashton, phụ trách chính sách đối ngoại của EU, đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng bất ổn do cá nhân và các nhóm vũ trang ly khai tiến hành tại các thành phố khác nhau ở miền đông Ukraine. Bà Ashton nói:" Chúng tôi kêu gọi Liên bang Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine và chấm dứt những hành động nhằm gây bất ổn Ukraine”.

Vào hôm thứ sáu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết nhóm các nước G7 sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu Matxcơva leo thang cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao EU cho biết bất kỳ biện pháp kinh tế trên phạm vi rộng sẽ không được đưa ra tức thì. 28 chính phủ của khối EU sẽ tập trung vào các nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng tại Ukraine. Bà Ashton sẽ gặp các quan chức Mỹ, Nga và Ukraine tại Geneva vào hôm thứ Năm.

Hiện chưa rõ những lĩnh vực nào của Nga có thể nằm trong danh sách xử phạt của EU. Một nhà ngoại giao EU cho biết, khối EU có thể đưa thêm tên vào danh sách các quan chức Nga và Crimean vào danh sách phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực.

Trong cuộc hội đàm với các đại diện ngành công nghiệp và các quan chức Ukraine tuần trước, Ủy viên năng lượng của EU, ông Guenther Oettinger cho biết, khí đốt tự nhiên - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nga , sẽ không nằm trong bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Hiện nay, EU phụ thuộc nhiều vào phân phối khí đốt của Nga, và cuộc khủng hoảng trên Ukraine đã thổi bùng những lo ngại về nguồn cung khí đốt trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến căng thẳng leo thang sau khi ông viết thư gửi cho 18 nhà lãnh đạo khối EU vào tuần trước. Trong thư ông đã đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine nếu nước này không thanh toán các hóa đơn và điều này có thể làm suy giảm việc phân phối khí đốt sang châu Âu.

Ngoài vấn đề năng lượng, EU cũng đang cân nhắc khả năng gửi phái đoàn an ninh và các cố vấn pháp lý sang Ukraine để giúp nước này ổn định tình hình, theo đề nghị của Anh, Thụy Điển và Ba Lan, và được hỗ trợ bởi Đức .

EU cũng muốn xác định các khía cạnh pháp lý trong mối quan hệ với Crimea, bao gồm việc cấp thị thực cho các cư dân của bán đảo, những hộ chiếu và tem hải quan nào được chấp nhận. Tất cả đều sẽ được thảo luận trong cuộc họp hôm nay.

Nguồn Gafin/Reuters


Sự kiện