Thứ Sáu | 08/06/2012 15:31

EU cân nhắc tạm bỏ khu vực miễn thị thực để ngăn chặn nhập cư

Các nước Liên minh châu Âu (EU) hôm nay 8/6 đồng ý tăng cường kiểm soát biên giới khu vực Schengen có thể được khôi phục trong trường hợp đặc biệt.
Đề nghị trên được thông qua tại cuộc họp các bộ trưởng nội vụ EU tổ chức tại Luxembourg. Theo đó, hoạt động kiểm soát biên giới tại các nước thuộc khu vực Schengen sẽ được áp đặt lại trong 6 tháng và có thể được gia hạn thêm 6 tháng nữa, trong trường hợp việc kiểm soát biên giới bên ngoài không đảm bảo do những hoàn cảnh đặc biệt.

Bộ trưởng Nội vụ Đan Mạch Morten Bodskov, trong cuộc họp báo tại Luxembourg, cho biết: " Các nước khu vực Schengen đã đạt được thỏa thuận về cơ chế mới, giúp đảm bảo sự hợp tác trong hoàn cảnh đặc biệt. Đôi khi những quyết định cần phải được đưa ra nhanh chong nếu sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Schengen bị đe dọa."

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu đã công khai lên tiếng phản đối đề nghị này.

Tình trạng di cư ồ ạt đã trở thành một vấn đề nhạy cảm của châu Âu trong bối cảnh khủng nợ nghiêm trọng lây lan, tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Năm ngoái, tại biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỹ có tới 55.000 trường hợp di cư. Ngoài ra, các báo cáo còn cho biết số lượng các vụ nhập cư bất hợp pháp vào khu vực Schengen đã tăng từ 104.000 trong năm 2010 lên 141.000 vụ, tương đương 35%, trong năm 2011.

Schengen là hiệp ước cho phép tự do đi lại do 25 quốc gia châu Âu ký kết. Công dân các nước tham gia hiệp ước Schengen có thể đi lại tự do bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển giữa các nước mà không cần xin thị thực.
 
Hồi đầu tháng 2, các thành viên của khối là Áo, Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Điển đã kêu gọi một kế hoạch hành động để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào khối này.

Hiện tại, các nước thành viên trong khối Schengen được phép thực hiện kiểm soát biên giới trong ngắn hạn khi xuất hiện cái mối đe dọa an ninh quốc gia hoặc lo ngại về tình hình chính trị hoặc xã hội.

Nguồn RT/DVT


Sự kiện