EU cho rằng, bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp lớn báo cáo hàng năm về nguyên nhân và số lượng sản phẩm họ đã tiêu hủy sẽ tạo cho họ động lực để dừng làm điều đó. Ảnh: Saks.
EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho
Ủy ban châu Âu đã công bố một thỏa thuận tạm thời mới nhằm mục đích biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn mới trong Liên minh châu Âu. Đặc biệt, thỏa thuận này sẽ đảm bảo rằng các sản phẩm có thể tồn tại lâu, sử dụng năng lượng và nguồn tài nguyên hiệu quả, dễ sửa chữa và tái chế, chứa ít chất gây lo ngại và chứa nhiều vật liệu tái chế hơn. Bên cạnh đó, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã công bố các quy định mới nhằm trấn áp thời trang nhanh và giảm lãng phí, bao gồm lệnh cấm tiêu hủy quần áo không bán được.
Luật cấm tiêu hủy giày và hàng dệt may tồn kho sẽ có hiệu lực 2 năm sau khi được thông qua. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ được loại trừ khỏi lệnh cấm, trong khi các doanh nghiệp cỡ trung bình sẽ được miễn trừ trong 6 năm. Ngoài ra, lệnh cấm có thể được mở rộng để nhắm đến các hàng hóa ngoài quần áo và giày dép.
Bà Alessandra Moretti, người đứng đầu dự luật thông qua quốc hội, cho biết: “Đã đến lúc chấm dứt mô hình "lấy, làm, vứt bỏ" vốn rất có hại cho hành tinh, sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta".
Giới phân tích nhận định, quy định mới sẽ hạn chế ngành thời trang nhanh, vốn trở thành xu hướng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, nhưng lại có tác động nghiêm trọng tới môi trường. Theo EU, ngành dệt may có tác động lớn thứ 4 đối với môi trường và biến đổi khí hậu chỉ sau sản xuất thực phẩm, nhà ở và giao thông.
Hàng năm, tại EU ước tính có khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị tiêu hủy, tương đương 11 kg trên một người, phần lớn những hàng loại bỏ này sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc đốt cháy.
Ngoài ra, quy định sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng tuổi thọ của chúng. “Các sản phẩm có tác động lớn", bao gồm đồ nội thất, giường ngủ, quần áo và đồ điện tử sẽ được ưu tiên.
Bên cạnh đó, các sản phẩm cần phải được tiếp thị với “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số”, có thể là mã QR, và hỗ trợ người mua đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi tiêu thụ chúng.
EU cho rằng, bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp lớn báo cáo hàng năm về nguyên nhân và số lượng sản phẩm họ đã tiêu hủy sẽ tạo cho họ động lực để dừng làm điều đó.
Có thể bạn quan tâm:
"Phao cứu sinh" của ngành hàng xa xỉ toàn cầu
Nguồn Apparel Resource