Thứ Năm | 07/02/2013 11:24

EU bất đồng về ngân sách dài hạn

Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ rơi vào cuộc tranh cãi mới do vẫn chưa thu hẹp được bất đồng về ngân sách dài hạn giai đoạn 2014-2020.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khu vực EU, dự kiến diễn ra trong các ngày 7-8/2, nhóm các nước đóng góp chính do Đức và Anh dẫn đầu vẫn muốn cắt giảm chi tiêu so với mức 1% tổng sản phẩm nội khối hiện nay.

Đề xuất cắt giảm trên sẽ đụng chạm tới các lợi ích về lương và chế độ miễn thuế đối với 35.000 viên chức trong khu vực, đồng thời đang là nguyên nhân dẫn đến các cuộc bãi công lớn ở nhiều nước.

Trong khi đó, nhóm do Pháp và Italia đứng đầu muốn duy trì mức chi tiêu cao hơn và tập trung chi tiêu cho lĩnh vực đầu tư nhằm kiến tạo việc làm, trong bối cảnh 26 triệu người trong EU đang bị thất nghiệp.

Tại Nghị viện châu Âu (EP), một nghị sỹ có nhiều ảnh hưởng cho rằng đường hướng cắt giảm là "hành động tự sát," đồng thời cảnh báo EP sẽ phản đối một đường hướng như vậy. Số khác muốn biết rõ mục tiêu cắt giảm nhằm vào lĩnh vực chính sách nào.

Ngân sách EU được xây dựng dựa trên nhiều nguồn. Các nước thành viên là nhà đóng góp nhưng cũng là đối tượng nhận tài trợ từ EU thông qua các chương trình khác nhau, trong đó có chính sách hỗ trợ nước nghèo "bắt nhịp" với nước giàu. Điều này đồng nghĩa một số nước là nguồn đóng góp chính trong khi số khác là đối tượng hưởng lợi thực sự.

Ủy ban châu Âu (EC) lúc đầu đề xuất tăng 5% ngân sách dài hạn lên hơn một nghìn tỷ euro, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Anh, nước đóng góp chính nhưng được miễn giảm nhiều nhờ thỏa thuận đạt được từ thời cựu Thủ tướng Margaret Thatcher liên quan chính sách trợ giá nông nghiệp.

Tháng 11/2012, chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy đề xuất duy trì ngân sách dài hạn dao động từ 900 tỷ euro đến 973 tỷ euro, đồng thời khẳng định thỏa thuận về ngân sách này là vấn đề cấp bách nếu "cỗ máy" EU muốn vận hành suôn sẻ hay muốn đạt tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Theo các nhà quan sát, các cuộc đàm phán hiện nay về ngân sách của EU sẽ không thay đổi được cơ cấu cơ bản nói trên, nhưng có thể thay đổi được cách thức đề xuất ngân sách, tập trung vào phần đóng góp thực tế của mỗi nước và mức trần đóng góp cao hơn cho ngân sách.

Nếu lãnh đạo EU có thể đưa vấn đề ngân sách dài hạng sang một trang mới, thì trong ngày thứ hai của hội nghị, họ có thể tập trung vào vấn đề tự do hóa thương mại với Mỹ và Nhật Bản, nhân tố quan trọng mang lại tăng trưởng, việc làm và sự thịnh vượng cho EU.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện