El Niño, giá lương thực và tăng trưởng châu Á
"Xin đừng quá mắc”, Mila Karmila thầm cầu như vậy khi cô tiến đến một quầy bán rau ở chợ gần nhà tại Jakarta. Bà mẹ người Indonesia này cho biết cô đã phải bỏ ra tương đương khoảng 2,2 USD vào năm ngoái để mua súp-lơ, ớt và cải bẹ xanh. Lượng thực phẩm này giúp cả nhà cô sống được 2-3 ngày. Nhưng giờ cũng cùng lượng mua đó, cô cho biết, phải bỏ ra 3,7 USD, tăng gần 70%. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô đang làm nghề giữ trẻ để phụ vào phần thu nhập ít ỏi của chồng.
Thời tiết khô hạn và cái nóng thiêu đốt do ảnh hưởng bởi El Niño đang diễn ra (bắt đầu từ quý II/2015) đã và đang đẩy cao giá lương thực. Tại Trung Quốc, giá thực thẩm đã tăng 22,6% trong 12 tháng qua trong khi ở Indonesia, mức tăng là gần 18%, theo tổ chức nghiên cứu CEIC. Tại Hàn Quốc, giá đã tăng gần 19%.
Tính trung bình, giá lương thực trong năm qua đã tăng 4,8% tại châu Á, ngoại trừ Nhật, theo HSBC Holdings PLC. Giá lương thực cao đặc biệt gây tác động mạnh đến các quốc gia nghèo hơn, nơi người dân vốn dĩ đã dành tới 1/3 thu nhập hộ gia đình để mua lương thực.
Việc giá cả tăng - kết quả của một trong những đợt El Niño tồi tệ nhất kể từ thập niên 1950 - càng khiến nhiều người lo ngại tăng trưởng trong khu vực sẽ bị chững lại, khi người dân chi tiêu nhiều hơn vào lương thực mà chi ít hơn vào các mặt hàng không thiết yếu. Trong khi đó, mức lương lại không bắt kịp mức tăng giá lương thực, theo chuyên gia kinh tế Frederic Neumann của HSBC.
“Tại các nền kinh tế phát triển, người dân có tỉ lệ tiết kiệm cao hơn nên tạm thời có thể bù đắp vào mức giá lương thực tăng lên. Nhưng tại những nền kinh tế mà người dân nghèo hơn thì ngay lập tức chứng kiến tăng trưởng sụt giảm”, ông nói.
Trong lịch sử, một số quốc gia châu Á đã chứng kiến hoạt động kinh tế suy giảm trong ngắn hạn do El Niño, theo bài viết do IMF công bố vào năm ngoái. Theo đó, tăng trưởng tại Indonesia thấp hơn 1,01 điểm phần trăm so với dự báo, còn tăng trưởng tại Ấn Độ thấp hơn 0,25 điểm phần trăm trong năm diễn ra El Niño.
Trong khi giá cả lương thực tăng cao thì hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á lại không tập trung kiềm chế mức tăng giá lương thực do phần lớn đều đang đối mặt với lạm phát yếu ớt và trong một số trường hợp là giảm phát (ngoại trừ Ấn Độ đang ra sức kiềm chế lạm phát).
Giá lương thực trong năm qua đã tăng trung bình 4,8% tại châu Á, ngoại trừ Nhật - Ảnh: Sơn Phạm |
Tác động của lượng mưa thấp hơn bình thường ở miền đông nước Úc và Đông Nam Á và một đợt gió mùa khô hanh hơn tại Ấn Độ chủ yếu thấy rõ qua sản lượng rau củ quả và trái cây. Nhưng các loại cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng. Xuất khẩu hạt cà phê của Việt Nam, chẳng hạn, được dự báo có thể giảm 1/3 do El Niño.
Thế nhưng, một số nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, thì lại hưởng lợi từ đợt El Niño hiện tại vì nó mang lại những cơn mưa, làm giảm phần nào tác động của đợt hạn hán nhiều năm tại California. Những trường hợp như vậy rất ít, đa phần là bị tác động tiêu cực bởi El Niño, vốn đưa 60 triệu người dân vào cảnh có thể bị thiếu lương thực, theo Liên hiệp Quốc.
“Giá rau đã tăng quá mạnh kể từ Tết Âm lịch và giá thịt heo cũng đang tăng cao. Vì thế, tôi phải dè sẻn hơn, mua ít hơn”, một phụ nữ đang mua đồ ăn tại chợ ở Thượng Hải, Trung Quốc, nói.
Đàm Hoa
Nguồn WSJ