El Niño đang căng thẳng
John Veron đứng trên lòng hồ cạn rải rác những san hô chết và giăng mắt nhìn cảnh vật tang thương ở rặng san hô gần đó, một màu trắng đầy ám ảnh bao trùm, do mùa hè nóng nhất trong lịch sử của nước Úc.
“Chưa từng thấy điều gì giống như bây giờ. Ngày trước, bạn có thể bơi dọc theo khu vực này, lặn ngắm những rặng san hô rực rỡ. Nhưng bây giờ tôi e là chỉ có sỏi và cát”, Veron, nhà khoa học đã nghiên cứu dải san hô Great Barrier Reef lớn nhất thế giới nằm ngoài khơi Queensland của Úc, buồn bã nói.
Veron đang ghé đảo Orpheus để nghiên cứu tình trạng trắng san hô tồi tệ nhất trong lịch sử. Có đến 95% rặng san hô ở phía Bắc của dải Great Barrier Reef dài 2.300 km đang chịu cảnh trắng san hô vô cùng khốc liệt do nước biển nóng lên. Các nhà khoa học cho biết phân nửa dải san hô ở đây đều đã chết. Và El Niño là thủ phạm chính.
Trắng san hô ở Úc
Hiện tượng El Niño đã xảy ra hàng ngàn năm, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy trái đất nóng lên sẽ càng khiến cho El Niño thêm khốc liệt.
Đợt El Niño hiện nay (bắt đầu vào đầu năm 2015 và có thể sẽ yếu dần trong vài tháng tới) là một trong những đợt nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tác động của nó đang bao phủ khắp toàn cầu, khiến các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan viện trợ và các công ty bảo hiểm phải khuyến cáo các nước và doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để hạn chế thải khí nhà kính và tích cực đưa ra các biện pháp đối phó.
“Tác động của một đợt El Niño mạnh là rất khủng khiếp, bao phủ khắp toàn cầu và có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn trong một tương lai có khí hậu ấm hơn. El Niño tác động lên môi trường biển, sản lượng thu hoạch và thậm chí cả chính trị”, Agus Santoso, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học New South Wales, nhận định. Trong khi đó, theo NASA, El Niño đã góp phần đưa 2015 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Liên hiệp Quốc khuyến cáo có tới 60 triệu người ở các nước đang phát triển chịu rủi ro từ tác động của hạn hán, hỏa hoạn và lũ lụt có liên quan đến El Niño, vốn cũng dẫn đến tình trạng thiếu an ninh lương thực và sự bùng nổ của dịch bệnh.
Đánh giá tác động kinh tế của El Niño là rất khó. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2015 cho thấy Úc, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, New Zealand và Nam Phi tất cả đều chứng kiến tăng trưởng kinh tế giảm trong thời gian ngắn do điều kiện thời tiết tồi tệ. Trong khi đó, tại châu Âu và Mỹ, sản lượng lại được cải thiện vì thời tiết ẩm ướt và ấm hơn đã giúp mùa màng tăng trưởng tốt. Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re cho biết thiệt hại do thảm họa thiên nhiên năm ngoái đã giảm còn 100 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2009, chủ yếu là do Bắc Mỹ hứng chịu ít trận cuồng phong hơn. Điều này “che đậy” những tác động đối với các khu vực nghèo hơn, vốn đối mặt với các thảm họa nghiêm trọng nhất trong suốt thời gian diễn ra El Niño.
“El Niño hiện tác động mạnh nhất đến các vùng nghèo hơn trên thế giới, trong khi các khu vực giàu có hơn thì tương đối vô sự”, Peter Hoeppe, đứng đầu bộ phận nghiên cứu các rủi ro địa lý tại Munich Re, nhận xét.
Hạn hán ở Nam Phi
Xác trâu bò thối rữa nằm vương vãi khắp những vùng đất bị nứt nẻ, khô hạn. Các cánh đồng trồng bắp còi cọc, khô cháy. Những con đập cung cấp nước cho thủy điện, tưới tiêu và nước uống đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Những cảnh tượng như vậy đang hiện diện khắp Nam Phi khi El Niño tràn qua những nền kinh tế vốn dĩ mong manh và gây đau khổ cho một khu vực gần 300 triệu người. Tại Nam Phi, 5 trong số 9 tỉnh tuyên bố bị hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái, trong khi Chính phủ ước tính tổn thất của ngành nông nghiệp đã lên tới 1 tỉ USD.
Nam Phi là khu vực trồng ngũ cốc chính, cung cấp cho những nước láng giềng kém phát triển hơn (cung cấp khoảng 70% lượng nhập khẩu bắp của những nước này). Vì thế, vấn đề của Nam Phi cũng nhanh chóng lan khắp các vùng biên giới. Năm ngoái, thu hoạch bắp của Nam Phi đã giảm 1/3 còn chỉ 9,9 triệu tấn. Năm 2016, dự kiến con số này sẽ giảm còn 7,2 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa hằng năm ở mức 10,5 triệu tấn.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp Quốc (WFP) ước tính 31,6 triệu người ở Nam Phi bị thiếu lương thực. Tổ chức này khuyến cáo tình trạng thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng đang gia tăng ở Zimbabwe, Nam Madagascar, Malawi và Mozambique khi khu vực này có lượng mưa thấp nhất trong nhiều năm trời và nhiệt độ nóng nhất trong 1 thập niên.
“Đợt El Niño chưa từng chứng kiến trước đây ở Nam Phi đã khiến cho nước này trải qua năm thứ 2 đối mặt với tình trạng thiếu an ninh lương thực và những hậu quả nghiêm trọng sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến mùa vụ tiếp theo vào tháng 3.2017”, WFP nhận xét.
Wandile Sihlobo, chuyên gia kinh tế tại Hiệp hội Các nhà nông Grain SA, thì cho biết: “Nông dân đã bị thất trong mùa vụ 2015 và cũng trắng tay trong mùa vụ năm nay, vì thế, rất nhiều người đang gặp khó khăn tài chính”. Grain SA ước tính Nam Phi sẽ cần nhập khẩu gần 4 triệu tấn ngô, chủ yếu từ Mỹ Latinh. Dù rằng bắp hiện vẫn chưa bị thiếu hụt nhưng giá đang trong chiều hướng tăng mạnh, càng gây sức ép lạm phát trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực đang giảm mạnh.
Cháy rừng tại Indonesia
Mỗi năm sương khói độc hại bao phủ khắp Đông Nam Á trong suốt mùa khô vào khoảng tháng 7 khi cháy rừng (ban đầu do những chủ đất ở Indonesia chặt cây đốt rừng) diễn ra. Thảm họa hằng năm này càng trở nên tồi tệ hơn bởi cái mà người dân địa phương gọi là “Godzilla” El Niño, với sức hủy diệt khủng khiếp, đã làm hoãn các cơn mưa gió mùa trên khắp Indonesia. Các quan chức ước tính 2,6 triệu ha đất đai bị cháy đen năm ngoái, gấp 4,5 lần diện tích Bali.
Khoảng 500.000 người bị các vấn đề về hô hấp, 2,4 triệu sinh viên bị ảnh hưởng, trong khi các trường học tạm thời phải đóng cửa và mối quan hệ với Sinagpore đã trở nên căng thẳng khi ô nhiễm vượt qua khỏi biên giới Indonesia.
Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) ước tính các trận cháy rừng đã thải ra 1,62 tỉ m3 khí CO2 tính đến cuối tháng 10, vượt qua tổng lượng khí mà cả nền kinh tế Mỹ thải ra trong 26 ngày trong khoảng thời gian 44 ngày phân tích của WRI. Ngân hàng Phát triển châu Á và World Bank ước tính các trận cháy đã khiến cho Indonesia tổn thất hơn 16 tỉ USD. “Nếu không thay đổi cách chúng ta quản lý sử dụng đất đai, đợt El Niño khốc liệt như chúng ta đã chứng kiến trong năm qua sẽ còn gây nhiều thiệt hại hơn cho Indonesia”, Andika Putraditama, một quan chức tại WRI, nhận xét.
Các trận cháy đã biến thành một thảm họa môi trường trong những thập niên gần đây sau khi các doanh nghiệp giấy và dầu cọ lớn bắt đầu làm kiệt quệ vùng đất bùn giàu carbon, vốn là nguyên nhân khiến cho đất đai trở nên khô hạn và dễ cháy. Dưới áp lực ngày càng tăng, Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra lệnh ngừng canh tác vùng đất bùn cũng như xem xét lại giấy phép khai thác đất bùn... Nhưng với một đất nước trải khắp hơn 17.000 hòn đảo, thực thi là một chuyện rất khó.
Việt Nam cũng là một nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi El Niño. Mới đây, Chính phủ Việt Nam, Liên hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đã thực hiện một đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất có khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang bị suy dinh dưỡng và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người bị thiệt hại do hạn hán gia tăng.
Vì thế, tuần qua, Chính phủ Việt Nam, Liên hiệp Quốc và các đối tác kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD để ứng phó với hạn hán ngày càng nghiêm trọng bởi El Niño, vốn đang ảnh hưởng nặng nề đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Khánh Đoan (Tổng hợp)