Thứ Ba | 12/11/2013 15:12

ECB phải đẩy mạnh nới lỏng tiền tệ để tránh rơi vào tình trạng giảm phát như Nhật Bản

Nếu ECB không sớm đẩy mạnh nới lỏng tiền tệ trước khi Fed bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng, đồng euro có thể sẽ tiếp tục tăng giá.
Nếu tốc độ giảm nợ xấu diễn ra chậm chạp và tăng trưởng tín dụng thấp, đồng euro có thể sẽ rơi vào tình trạng tương tự như đồng yên trong những năm 1990 và 2000 - đồng tiền mạnh với tăng trưởng kinh tế yếu kém.

Sự yếu kém của hệ thống tài chính Nhật trong một thời gian dài dẫn tới tình trạng giảm phát khiến cho kinh tế không tăng trưởng, nhập khẩu và thặng dư thương mại giảm mạnh. Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho đồng yên bị định giá cao trong 2 thập kỷ qua. Để đồng euro không rơi vào tình trạng tương tự như đồng yên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải không đi vào vết xe đổ của Nhật.

Trong năm nay, các nhà hoạch định chính sách của ECB đã kêu gọi chính phủ các nước thành viên khu vực eurozone củng cố hệ thống ngân hàng. Nhưng cho đến khi ECB được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, ngân hàng tại các quốc gia thành viên lại không có khả năng cung cấp một lượng lớn tín dụng.

Trong suốt hai thập kỷ giảm phát, các ngân hàng của Nhật quá yếu để có thể xóa các khoản nợ xấu và chịu lỗ. Điều này ngăn cản các ngân hàng cung cấp nguồn tín dụng mới cho nền kinh tế. Chỉ khi mà chính phủ Nhật bắt đầu tái cơ cấu lĩnh vực tài chính một cách mạnh mẽ, các ngân hàng mới có thể bắt đầu mở rộng tín dụng.

Các ngân hàng trong khu vực eurozone đang ở trong tình trạng tương tự như Nhật Bản trong những năm 1990. 6 năm sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra, các ngân hàng trong khu vực eurozone mới miễn cưỡng thu hẹp bảng cân đối kế toán. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động lên tới 110% bằng với tỷ lệ của Nhật Bản trong thời kỳ giảm phát. Trái lại, các ngân hàng Mỹ lại được Bộ Tài chính tái cơ cấu vốn một cách mạnh mẽ trong năm 2008, khiến cho các khoản nợ xấu giảm và tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động chỉ vào khoảng 75%. Giảm nợ xấu một cách nhanh chóng đã cho phép hệ thống tài chính của Mỹ đạt được mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.

Sự bất lực của chính phủ Nhật trong việc nhanh chóng củng cố hệ thống ngân hàng khiến cho nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái từ những năm 1990 cho tới những năm 2000. Ngoài ra, nước này còn phải gánh chịu giảm phát trong phần lớn thời gian của thập kỷ trước.

Tương tự như Nhật, khu vực eurozone đã phải gánh chịu hai cuộc suy thoái kinh tế kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra vào năm 2007. Thời kỳ suy thoái thứ hai kéo dài 6 quý liên tiếp cho tới năm nay. Số liệu lạm phát mới nhất của khu vực eurozone cho thấy chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cho nhiều người lo ngại khu vực này có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm phát giống như Nhật.

Một nghịch lý ở đây là tăng trưởng kinh tế yếu kém nhưng tỷ giá đồng euro lại liên tục tăng. Ở cả hai nền kinh tế Nhật Bản và eurozone, tăng trưởng GDP chậm lại khiến cho nhu cầu nhập khẩu sụt giảm. Cho đến khi xảy ra trận động đất năm 2011, Nhật Bản mới có được mức thặng dư thương mại tương đối lớn. Năm 2011, tỷ giá đồng yên so với đồng USD ở mức cao nhất mọi thời đại 75 yên/USD. Tương tự như Nhật, cán cân thương mại của khu vực châu Âu được cải thiện mạnh mẽ trong vài năm qua, khiến cho tỷ giá đồng euro tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua 1,38 USD/euro.

Quyết định cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 0,5% xuống còn 0,25% của ECB là một bước quan trọng trong việc đối phó với lạm phát. Ông Mario Draghi, chủ tịch ECB, cho biết ECB đã sẵn sàng giảm lãi suất xuống dưới 0% nếu nguy cơ khu vực eurozone rơi vào tình trạng giảm phát tăng lên. Triển vọng lãi suất âm có thể khiến đồng euro tiếp tục tăng giá cho tới khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tiến hành cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong một vài tháng tới.

Việc Fed cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng sẽ giảm bớt sức ép tăng giá đối với đồng euro về mặt dài hạn nhưng lại khiến cho đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Do vậy, nếu ECB không sớm đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ trước khi Fed bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE), đồng euro có thể sẽ tiếp tục tăng giá. Điều này sẽ khiến cho khu vực eurozone tiến gần hơn đến bẫy giảm phát.

Từ bài học kinh nghiệm về giảm phát của Nhật Bản, ECB có thể phải tiến hành chương trình nới lỏng định lượng trong tương lai để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng mức lạm phát, đồng thời hạn chế tỷ giá đồng euro tăng quá cao.

Nguồn Dân Việt/Financial Times


Sự kiện