Thứ Năm | 08/05/2014 22:10

ECB "đánh tiếng" nới lỏng tiền tệ trong tháng tới

Dù cuộc họp chính sách tháng 5 khép lại mà không có thay đổi nào nhưng Chủ tịch ECB để ngỏ khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong tháng 6.
Khác với thường lệ, cuộc họp chính sách hàng tháng lần này của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không diễn ra tại trụ sở chính ở Frankfurt (Đức) mà được chuyển đến Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, kết quả thì không gây quá nhiều bất ngờ.

Đúng như hầu hết dự đoán của giới tài chính, trong cuộc họp hàng tháng diễn ra hôm nay 8/5 tại Brussels, ECB đã quyết định chưa tung ra chương trình Nới lỏng Định lượng (QE) - công cụ hữu hiệu để chống lại rủi ro giảm phát. Đồng thời ECB cũng không thay đổi chính sách lãi suất chủ chốt hiện tại.

gafin
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ECB sẽ tiến hành một hành động mới trong cuộc họp tháng 6. Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi cho biết: "Hội đồng Thống đốc của ECB có thể thoải mái hành động trong cuộc họp tới, nhưng trước tiên chúng tôi muốn được xem những dự báo kinh tế sẽ được công bố vào đầu tháng 6". Bên cạnh đó, ông Draghi còn chỉ rõ các thành viên trong Hội đồng Thống đốc ECB đã đồng thuận hơn trong ý muốn "không để cho lạm phát thấp trong thời gian quá lâu".

Những áp lực thúc đẩy ECB tiến tới những chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh hơn bắt đầu từ vài ngày gần đây với những báo động liên tiếp được phát đi từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo bản Báo cáo mùa xuân của OECD, tổ chức này đã ra lời kêu gọi ECB nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát "đến gần mục tiêu" 2%. Cụ thể theo OECD, "tỷ lệ tái cấp vốn của ECB nên được giảm xuống 0%, tỷ lệ tiền gửi của các ngân hàng tại ECB cũng nên đẩy xuống mức âm và cả hai lãi suất trên nên được duy trì ít nhất đến cuối năm 2015". Ngoài ra, OECD cũng khuyến khích ECB thực hiện những biện pháp phi chuẩn, chẳng hạn như QE.

Kết quả cuộc họp của ECB cũng như phát biểu của Chủ tịch Draghi đã gây phản ứng mạnh trên thị trường tiền tệ. Đồng euro giảm 0,7% so với đô-la Mỹ, xuống mức 1,389 USD đổi 1 EUR.

Hiện tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đang đứng ở 0,7%, tức chưa bằng môt nửa so với ngưỡng mục tiêu 2% do ECB đề ra.

Nguồn Financial Times/Theo DVO


Sự kiện