ECB có thể lại phải hành động để hỗ trợ đà phục hồi
Theo đó, lượng tiền cho vay trong khu vực tư nhân giảm 2% trong tháng Tám so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,9%. Giới phân tích cho rằng việc tín dụng giảm có thể do ngân hàng không có khả năng cho vay trong lúc đang cân đối bản quyết toán và cũng là do doanh nghiệp muốn giảm vay để giảm nợ.
Nhìn chung, xu hướng giảm sút này cho thấy đà phục hồi mới bắt đầu ở 17 quốc gia sử dụng đồng euro vẫn còn yếu, mở ra khả năng ECB phải hành động hỗ trợ nền kinh tế.
ECB gần đây có dự định bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động tái cấp vốn dài hạn đặc biệt (LTRO). Chủ tịch ECB Mario Draghi đã nói tại một phiên họp của Nghị viện châu Âu ngày 23/9 rằng một đợt LTRO mới là có thể được triển khai.
ECB cũng công bố số liệu mới nhất cho thấy nguồn cung tiền, một căn cứ ban đầu về lạm phát, tăng 2,3% trong tháng Tám, so với mức tăng 2,2% trong tháng Bảy. Với mức tăng này, sức ép lạm phát ở Eurozone vẫn quá thấp và ECB thừa khả năng để hạ lãi suất xuống thấp hơn nếu cần.
Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán ECB sẽ không thể thông báo về việc điều chỉnh lãi suất ngay tại cuộc họp sắp tới.
Thành viên Hội đồng điều hành ECB Joerg Asmussen nói tại một cuộc họp tại Berlin (Đức) ngày 26/9 cho rằng hiện còn quá sớm để tính đến chuyện dừng chính sách tiền tệ nới lỏng và đề cập đến khả năng hạ lãi suất trong thời gian tới.
Để đẩy lùi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài và làm suy yếu các nền kinh tế trong khu vực, ECB đã hạ lãi suất cơ bản xuống các mức thấp kỷ lục, bơm vào các ngân hàng hơn 1 nghìn tỷ euro (1,35 nghìn tỷ USD) tiền mặt vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012, nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tín dụng tiềm ẩn, đồng thời mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn nhất trong khủng hoảng.
Nguồn TTXVN