ECB cảnh báo xu hướng giảm phát tại Eurozone
Theo Barclays, dự báo lạm phát trung bình trong 5 năm tới của Eurozone sẽ giảm xuống 1,95% - mức thấp nhất kể từ sau cao trào của khủng hoảng nợ khu vực. Đầu tháng 8, chỉ số này vẫn là 2,11%.
Mặc dù ECB đã mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 6 vừa qua nhưng ông Draghi vẫn chưa cho phép triển khai biện pháp nới lỏng định lượng. Ông Draghi tuyên bố, sẽ đảm bảo dự báo lạm phát ổn định xung quanh mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, trên thực tế, dự báo lạm phát lại đang giảm mạnh trong thời gian gần đây, dấy lên đồn đoán rằng, chỉ số này sẽ giảm sâu hơn nữa.
Lạm phát khu vực Eurozone xuống thấp nhất 4 năm rưỡi, ở 0,4% trong tháng 7, theo số liệu của Cục Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat). Trong bối cảnh kinh tế quý II tăng trưởng trì trệ, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, khu vực sẽ rơi vào tình trạng giảm phát giống Nhật Bản.
Ngoài ra, có một số yếu tố khác cũng tạo nên áp lực giảm phát đối với khu vực Eurozone như khủng hoảng tại Ukraine. Sau một loạt đòn trừng phạt từ phương Tây, Nga cuối cùng cũng tung ra biện pháp trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm từ Liên minh châu Âu (EU). Điều này có thể sẽ tác động đến tình trạng giá cả của khu vực, theo nhận định của các chuyên gia. Dự báo lạm phát dài hạn của khu vực bắt đầu giảm mạnh kể từ cuối tháng 7 sau khi ổn định từ đầu năm, theo chiến lược gia Khrishnamoorthy Sooben tại Barclays.
Các ngân hàng trung ương trong khu vực Eurozone thậm chí phải khảo sát cả người tiêu dùng và giới chuyên gia để đánh giá dự báo lạm phát trong tương lai. Các nhà hoạch định tin rằng, nếu có thể duy trì dự báo lạm phát ngang với mục tiêu, xu hướng giá cả sẽ nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương.