ECB không chủ quan
Có thể quyết định hạ lãi suất tái cấp vốn (lãi suất cơ bản) hôm qua 7/11 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gây bất ngờ cho không ít nhà dự báo và giới chuyên gia phân tích, nhưng quả thật ECB như đang đứng giữa tâm bão, nơi tưởng như yên ắng nhất.
Chẳng có cú sốc thực sự nào, không có tình huống khẩn cấp nào ECB phải "xắn tay" giải quyết kể từ khi Ngân hàng tại Cộng hòa Síp sụp đổ. Đây dường như là thời kỳ yên ổn. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, thực tế không phải vậy.
Trước hết, thời điểm diễn ra cuộc họp hội đồng chính sách lần này diễn ra trong một khoảng thời gian "nhạy cảm". Chưa đầy 1 tuần sau khi số liệu GDP và tỷ lệ thất nghiệp được Eurostat công bố, gần hơn nữa là những dự báo kém lạc quan cho năm 2014 và 2015 của khu vực đồng tiền chung châu Âu được phát hành. Với tất cả, trách nhiệm đều có một phần không nhỏ thuộc về ông Mario Draghi và các cộng sự.
Quay lại thời gian đầu tháng 5, ngài chủ tịch ECB đã gây chấn động cho thị trường bằng một cú sốc tương tự. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãi suất cơ bản được ECB hạ xuống mức 0,5%, thấp nhất mọi thời đại, lãi suất tiền gửi giữ xuống mức chỉ còn mang ý nghĩa giữ cho tiền an toàn ở trong ngân hàng. Còn nhớ trong cú sốc ấy, không nhiều người tiên liệu được. Và đến lần này, mọi chuyện xảy đến tương tự. Cũng với lo ngại thường trực là giảm phát, ECB đã quyết định hạ thêm 0,25% nữa đối với lãi suất cơ bản, vậy là sự lựa chọn của ông Draghi đang ngày càng hẹp dần.
"Bất lực" trước lạm phát
Kể từ tháng 5 đến nay, tuy lãi suất đã liên tục "xuyên thủng" đáy giới hạn chưa bao giờ được thiết lập, nhưng có vẻ như ECB cũng như Fed, đều đang bất lực trước lạm phát. Nếu như các nước đang phát triển có nỗi lo lạm phát luôn phải đối mặt thì các nước phát triển nhất lại ở thế cực ngược lại. Giảm phát mới là mối nguy hại lớn.
Mục tiêu vực dậy chỉ số lạm phát lên mục tiêu 2% đối với ECB đang ngày càng xa vời. Báo cáo mới nhất trong tháng 10, số liệu ước tính nhanh của Eurostat cho thấy, lạm phát tại eurozone đã giảm xuống 0,7%, chỉ bằng 1/3 mục tiêu và thấp nhất gần 4 năm. Tệ hơn, thất nghiệp cũng chạm mốc cao kỷ lục từ năm 1999, thời điểm khối eurozone ra đời.
Tóm tắt tình hình để thấy, tình hình kinh tế eurozone trầm trọng hơn người ta tưởng và nguy hiểm ở chỗ nó như 1 con tàu giữa tâm bão, "trời yên bể lặng" nhưng điều tồi tệ nhất sẽ sớm xảy đến sau đó.
Trong hàng loạt các mục tiêu mà ECB phải cân nhắc, chắc chắn con số 2% cần được cân nhắc kỹ càng nhất. Nhìn thập kỷ mất mát của Nhật Bản, căn bệnh giảm phát kinh niên không phải cơn sốt nóng của lạm phát mà đúng hơn, giống như một con người đang ngày càng suy kiệt, vấn đề ở chỗ nó sẽ đến từ từ hơn và rất lâu sau mới có thể hồi phục trở lại.
Để chống lại nguy cơ đến từ căn bệnh đó, sắp tới nếu chỉ vận dụng công cụ lãi suất thôi thì e rằng chưa đủ. 35 trong tổng số 39 chuyên gia được hãng tin Reuters phỏng vấn đều hy vọng rằng ECB sẽ cung cấp đợt tái cấp vốn dài hạn (LTRO) mới cho các ngân hàng trong vong 6 tháng tới.
Ngoài ra cơ chế truyền dẫn các công cụ của ECB đang gặp vấn đề lớn. Thứ nhất, dù cho lạm phát luôn ở mức thấp nhất mọi thời đại, nhưng tín dụng dành cho kinh doanh vẫn tiếp tục giảm. Vốn chỉ nằm ở các ngân hàng mà không chảy ra đến nền kinh tế thực chỉ làm cho nguy cơ giảm phát ngày càng đến gần. Thứ hai, ECB vẫn chưa ban hành bất kỳ công cụ nào để thu hẹp sự chệnh lệch trong chi phí đi vay ở các nước Nam và Bắc Âu. Tại các nước như Đức, Pháp,... doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng hơn với lãi suất thấp hơn. Trong khi các nước đã khó khăn sẵn tại Nam Âu vẫn phải đối mặt với mặt bằng lãi suất cao hơn do hậu quả của nợ công chính phủ mang lại.
Để khắc sâu những nguy hại của giảm phát, có lẽ không gì bằng việc kể ra ví dụ điển hình của Nhật Bản. Nền kinh tế nước này đã rơi vào giảm phát từ những năm 90 của thế kỷ 20 và tác động hủy diệt lên nhà đầu tư và người dân Nhật Bản đến ngay sau đó. Cho đến nay, thủ tướng Shinzo Abe vẫn vất vả vực dậy nền kinh tế từng nuôi tham vọng trở thành nền kinh tế số một thế giới. Tạm gác lại tham vọng đó, mục tiêu trước mắt trong 2 năm tới của nền kinh tế Nhật Bản cũng là thoát khỏi giảm phát.
Nếu châu Âu không muốn cũng đánh mất hàng chục năm như Nhật Bản thì các nhà lãnh đạo cần hành động quyết liệt ngay từ bây giờ. Hạ lãi suất chỉ là bước đi khởi đầu, bởi nếu chỉ thế, kết quả cuối cùng cũng chẳng khác nhiều so với 6 tháng qua, kể từ khi mức lãi suất 0,5% được thiết lập mà lạm phát vẫn không hề nhích lên dù chỉ bằng một nửa mức mục tiêu.
Nguồn Dân Việt